(HNM) - Việc quản lý các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường đang là một thách thức lớn với các cơ quan quản lý, bởi lẽ, nhiều quy định hiện hành chưa theo kịp thực tiễn.
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến tháng 12-2017, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó, tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%. Không chỉ phát triển nhanh về quy mô, loại hình hoạt động này cũng ngày càng đa dạng, gồm trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, dịch vụ tư vấn du học... Sự ra đời của các mô hình đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, tuy nhiên, công tác quản lý cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét.
Một trung tâm đào tạo tin học trên địa bàn TP Hà Nội. |
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhận định: Một trong những khó khăn hiện nay xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường chịu sự chi phối của khá nhiều quy định như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, các đạo luật về thuế... Trong khi đó, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật lại không có hướng dẫn thực hiện, chưa bao quát thực tiễn hoạt động. Trước nhu cầu học tập ngày càng tăng, sự cạnh tranh của các cơ sở ngày càng gay gắt, đã xuất hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh...
Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an TP Hà Nội xác nhận có đơn vị quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo; không thực hiện đúng cam kết với người học; lấy tên tư vấn du học nhưng lại đưa người đi xuất khẩu lao động... Đơn cử, trong năm 2017, một trung tâm ở quận Cầu Giấy đưa 18 công dân ra nước ngoài học nghề và bị nước này buộc phải xuất cảnh. Tại một trung tâm khác, học viên đến đòi tiền vì cho rằng trung tâm không thực hiện đúng cam kết, nên xảy ra xô xát, gây mất an ninh trật tự...
Trước thực trạng này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết trong năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ siết chặt quản lý, tổ chức kiểm tra đột xuất 30% số cơ sở giáo dục ngoài nhà trường trên địa bàn mỗi quận, huyện, thị xã, đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về thu học phí; giám sát việc triển khai kế hoạch đánh giá chất lượng "đầu ra" theo cam kết của cơ sở.
Vướng vì quy định cấp phép
Khó khăn chung của các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường có yếu tố nước ngoài hiện nay liên quan tới việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp phép cho giáo viên người nước ngoài giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế đối ngoại (Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam), hiện nay, có một số quy định chưa thống nhất khiến việc thực hiện của đơn vị gặp khó khăn. Đơn cử, Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định, giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, còn Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam lại yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương.
Bất cập khác trong việc xin giấy phép cho giáo viên nước ngoài là quy định giáo viên phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy - được nêu tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Bà Nguyễn Thị Hải, đại diện Trung tâm Tiếng Anh TDC cho biết, không ít trung tâm không thể xin được giấy phép cho giáo viên người nước ngoài vào giảng dạy vì vướng quy định này. Trong khi nhu cầu học ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài ngày càng lớn, có nơi, có lúc đã bỏ qua quy định này, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị, đồng thời gây khó khăn trong quản lý người lao động nước ngoài.
Liên quan đến bất cập trong việc thực hiện quy định để mở trung tâm ngoại ngữ, đại diện ban giám đốc một trung tâm dạy tiếng Nhật trên địa bàn Hà Nội nói rằng, bản thân ông có bằng đại học ngoại ngữ, từng đi du học và đã đứng lớp dạy tại trung tâm nhiều năm nay nhưng lại không thể đứng ra mở trung tâm bởi không có thâm niên công tác trong ngành Giáo dục ít nhất 3 năm theo quy định hiện hành. Ông cho rằng, nếu muốn mở trung tâm thì phải thuê giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục, song, thực chất thì đó chỉ là để hoàn thiện hồ sơ. Điều này vừa khiến việc quản lý rườm rà, phức tạp, vừa gây khó khăn cho cơ sở.
Luật sư Nguyễn Kim Dung đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chuẩn giáo viên ngoại ngữ nước ngoài phải đáp ứng tiêu chí về bằng cấp là cao đẳng/đại học hoặc loại bằng được công nhận tương đương để áp dụng thống nhất. Việc này cũng cần thực hiện với giáo viên người nước ngoài dạy trong các trường phổ thông bởi nhu cầu này sẽ tăng nhanh khi các trường phổ thông tổ chức liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định quản lý và kiểm soát chất lượng đội ngũ giáo viên để vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của người học hiện nay. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.