(HNM) - Chiều 14-8, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Xây dựng về công tác quản lý nhà chung cư tái định cư.
Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát cho rằng, dù các ngành chức năng vào cuộc khắc phục những hạn chế, yếu kém sau đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố về quản lý nhà chung cư tái định cư, song từ năm 2012 đến nay chuyển biến vẫn chưa rõ nét. Việc bố trí sử dụng quỹ nhà tái định cư chưa hợp lý, nhiều căn bỏ trống, đặc biệt còn 624 căn chưa có quyết định giao nhà, trong đó nhiều căn xây dựng từ 10 năm nay. Đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng cần tham mưu với thành phố xử lý, bố trí cho người khác có nhu cầu hoặc bán, nhằm tránh lãng phí. Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Tài chính tham mưu xử lý, thu hồi nợ đọng tiền thuê kinh doanh dịch vụ tầng 1 vào ngân sách nhà nước; những vị trí đẹp mà các đơn vị nợ tiền thuê thì nên thu hồi tổ chức đấu thầu công khai. Công tác quản lý chung cư tái định cư hiện còn bất cập, chồng chéo, vì thế Sở Xây dựng cần tham mưu cho UBND thành phố cách thức quản lý phù hợp với quy định của pháp luật.
*Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2011-2015.
Theo thống kê của BHXH Hà Nội, dù nỗ lực phát triển số người tham gia BHYT từ năm 2011, nhưng đến nay số người tham gia BHYT trên địa bàn thành phố mới chiếm 72,5% (gồm cả số thẻ của thân nhân sĩ quan quân đội do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành). Trong đó, khối doanh nghiệp và khối hộ gia đình đăng ký tự nguyện đạt thấp (khối doanh nghiệp mới đạt 57,09%, BHYT tự nguyện đạt 23,55%). Cùng với đó, đối tượng là học sinh, sinh viên do ngân sách nhà nước có hỗ trợ đóng BHYT cũng chưa đạt chỉ tiêu. Theo BHXH thành phố, dù đã đa dạng hóa các hình thức đại lý thu (trên địa bàn hiện có 601 đại lý là UBND xã, hội đoàn thể, bưu điện), nhưng nhóm tham gia theo hộ gia đình rất khó khăn; việc hướng dẫn giải quyết vướng mắc thực hiện BHYT theo hộ gia đình của các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa cụ thể, dẫn đến phản ứng từ phía người tham gia, ảnh hưởng đến việc phát triển số lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.