(HNM) - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với nhiều quy định mới sẽ khắc phục những bất cập, góp phần quản lý chặt chẽ việc thu thuế thương mại điện tử.
- Công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế thương mại điện tử nói riêng của cơ quan thuế trong thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập. Bà bình luận gì về điều này?
- Công tác quản lý thuế trong thời gian qua đã đạt được nhiều chuyển đổi tích cực trong tổ chức, điều hành, giám sát thực hiện quản lý nguồn thu từ thuế, phí, các khoản thu ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế vẫn còn một số tồn tại, còn thất thu tiền thuế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh mới như kinh doanh thương mại điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý thuế đã phát huy được kết quả quan trọng trong quản lý thuế nhưng còn thiếu nhiều cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, thu nhập chịu thuế của người nộp thuế, đặc biệt cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý thuế đối với thương mại, giao dịch điện tử... chưa được quy định một cách toàn diện...
- Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng. Bà đánh giá thế nào về nội dung này?
- Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa qua mạng internet, mạng xã hội, thậm chí cả truyền hình trực tuyến khá đa dạng. Hiện, chúng ta đã có thông tư quy định về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhưng chưa đưa vào luật. Hình thức kinh doanh này ngày càng phát triển, vì thế vấn đề quản lý thu thuế đối với hoạt động đó cần phải đặt ra.
Trong quản lý thu thuế có hai vấn đề, thứ nhất là làm thế nào để nắm được doanh thu; thứ hai, cách thu thuế như thế nào. Theo tôi, để quản lý được doanh thu, cần có sự phối hợp với ngân hàng. Vì hiện nay, với trường hợp người Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các trang web nước ngoài thường được thanh toán qua ngân hàng, cũng có trường hợp thanh toán tiền mặt, nhưng rất ít. Thực tế đó cho thấy, vai trò của ngân hàng trong việc xác định các giao dịch, từ đó xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là rất quan trọng.
Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng (cá nhân) khi người nộp thuế vi phạm, còn những trường hợp khác chưa có quy định. Do đó, việc đưa vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin khách hàng là rất cần thiết để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
- Bà kỳ vọng gì về công tác quản lý thuế thương mại điện tử khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đi vào cuộc sống?
- Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Quản lý thuế nhằm thêm mới, toàn diện các nội dung liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu nói chung, cơ sở dữ liệu thương mại nói riêng về giao dịch điện tử... Với các quy định này, chức năng quản lý thuế xuyên suốt các khâu sẽ rõ ràng, minh bạch hơn, từ đó quản lý thuế tốt hơn.
Việc quản lý cơ sở dữ liệu cũng như khai thác cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để xác định nghĩa vụ thuế là rất cần thiết. Do vậy, với những điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ bảo đảm hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử hiện nay. Theo lịch trình dự kiến, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có thể sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.