Kinh tế

Thương mại điện tử tiếp tục bứt tốc

Lam Giang 27/02/2024 - 06:11

Thương mại điện tử là điểm sáng trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam năm 2023, với 61 triệu người mua sắm trên không gian số.

Thời gian tới, thương mại điện tử được dự báo còn bứt tốc nếu tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan tới hàng giả, hàng nhái cùng niềm tin của người tiêu dùng.

shopee.jpg
Kho hàng của Shopee tích hợp hệ thống quản lý chuyên biệt để phân tích vị trí hàng hóa ngay khi người mua đặt hàng.

Bán lẻ trực tuyến tăng trưởng 25%

Không chỉ là điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, thương mại điện tử còn tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền, trong sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, thương mại điện tử tiếp tục là phương thức mua bán hiện đại được doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn.

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Cũng trong năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cả nước hiện có khoảng 61 triệu người tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình đạt 300 USD/người/năm.

Còn theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Thực tế cho thấy, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng ngày càng cao, mua sắm trực tuyến (online) đã trở thành thói quen của người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu đó, số gian hàng mở bán trên các sàn thương mại điện tử cũng tăng nhanh. Theo Metric, đến cuối năm 2023 có 637.273 gian hàng trên 5 sàn thương mại điện tử kể trên. Trong đó, các ngành hàng về làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ đứng đầu về doanh thu và sản lượng bán ra. Tốc độ tiêu dùng nhanh, khả năng lưu kho, vận chuyển dễ dàng là ưu thế của các ngành hàng này.

Năm qua, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.

Minh chứng rõ nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống chỉ lác đác người mua thì những người giao hàng cho các sàn thương mại điện tử lại tất bật chuyển hàng hết công suất. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ song theo đại diện các sàn thương mại điện tử, số lượng đơn hàng dịp cận Tết Nguyên đán tăng mạnh so với ngày thường.

Cần xây dựng niềm tin

Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2024, thương mại điện tử vẫn là kênh mua sắm hiện đại, tiện lợi được giới trẻ và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Theo đó, loại hình mua sắm này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 18-20%/năm.

Dù vậy, thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều thách thức về tính an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường... Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là bảo đảm nguồn gốc hàng hóa và niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cần có giải pháp quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, gắn với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Phải luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và nhà cung cấp ứng dụng. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng, xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Lê Đức Anh kiến nghị áp dụng giải pháp công nghệ để phòng, chống hàng giả. Hiện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp; bảo vệ nhãn hàng, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử.

Về giải pháp phát triển, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, như khuyến khích doanh nghiệp thương mại điện tử tối ưu hóa phương thức vận chuyển và sử dụng bao gói tái chế, thân thiện với môi trường; triển khai chuỗi các sự kiện quy mô vùng và quốc gia về thương mại điện tử...

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, rà soát kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia và dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2031…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử tiếp tục bứt tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.