(HNM) - Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, nhập lậu tràn lan cùng với những bất cập trong quản lý đang gây dư luận bức xúc. Trong các số báo ra ngày 11 và 12-11 mới đây, Báo Hànộimới đã phản ánh về vấn đề này.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội tuần qua, các đại biểu đã nêu câu hỏi và hai bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đăng đàn trả lời, nêu rõ giải pháp khắc phục trong thời gian tới...
Công tác quản lý bị "cắt khúc"
Trong câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) nêu tình trạng phân bón nhập lậu, phân bón giả tràn lan đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe nhân dân. Các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như "nhái" nhãn hiệu nổi tiếng nhưng bán với giá thấp, trộn hàng giả với hàng thật, áp dụng khuyến mãi, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ, lẻ ở các vùng nông thôn...
Đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp về vấn nạn này như thế nào để lập lại trật tự thị trường phân bón? Trách nhiệm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào?...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Đình Tín, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận bất cập trong công tác quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Cụ thể là công tác quản lý bị "cắt khúc", một phần về quản lý phân bón vô cơ thì giao cho Bộ Công Thương, còn lại các loại phân bón hữu cơ thì giao cho Bộ NN&PTNT quản lý từ khâu sản xuất, cấp phép sản xuất rồi sau đó là công bố hợp quy và quản lý kinh doanh.
Trên thực tế, việc hai bộ cùng tham gia quản lý phân bón và trong bối cảnh các loại phân bón rất đa dạng đã dẫn đến tình trạng chồng chéo. Hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước không được bảo đảm trên địa bàn cả nước đối với các mặt hàng phân bón kể cả sản xuất cũng như nhập khẩu. Bộ NN&PTNT có hơn 5.000 hợp quy dành cho phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5.700 hợp quy khác dành cho phân bón vô cơ. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng thị trường có rất nhiều loại phân bón và cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực, điều kiện kiểm soát.
Thống nhất đầu mối quản lý
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Chính phủ giao nhiệm vụ cho hai bộ quản lý nhưng phối hợp không tốt sẽ tạo ra khoảng trống vô tình tạo điều kiện cho các hành vi gian dối.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo chỉnh sửa Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, nếu sau này giao cho Bộ Công Thương thì Bộ NN&PTNN xin chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, con người, điều kiện để tập trung một mối quản lý. Ngược lại, nếu như Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, thì Bộ sẽ tổ chức lại để quản lý về nguyên tắc cho bảo đảm một mối thống nhất. Bộ NN&PTNT sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ để sửa đổi phù hợp hơn; ban hành bộ quy chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chuẩn về phân bón để quản lý chặt chẽ hơn. Đến nay, Bộ đã chuyển sang Bộ Khoa học - Công nghệ 100 quy chuẩn và tiêu chuẩn để thẩm định, thời gian tới sẽ ban hành.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều đợt phối hợp làm việc và đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất. Cùng với đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng để đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ Khoa học - Công nghệ thẩm định 16 bộ quy chuẩn quốc gia về các loại phân bón. Hai bộ và các bộ, ngành khác có liên quan phải phối hợp tổ chức, điều tiết lại thị trường phân bón, đặc biệt theo hướng giới hạn lại các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh trên thị trường.
Tại nhiều nước, kể cả những nơi có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành. Đồng thời, lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh chống phân bón giả, phân bón kém phẩm chất và phân bón lậu, tạo điều kiện để thị trường phân bón phát triển một cách bền vững, bảo đảm chất lượng cũng như đáp ứng được yêu cầu về môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.