Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý buôn bán hàng rong: Trách nhiệm thuộc về ai?

Duy Biên| 15/09/2016 07:00

(HNM) - Đã từ lâu, người bán hàng rong trở thành hình ảnh khá quen thuộc trong nếp sống của người dân Hà Nội. Thế nhưng, theo xu hướng phát triển của đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, hàng rong tồn tại có nhiều mặt trái và đang làm giảm đi nét đẹp của Thủ đô trong lòng du khách.


Hàng rong lấn át

Chưa có thống kê chính xác và đầy đủ, nhưng ước lượng trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn người bán hàng rong và phần lớn trong số này là người ngoại tỉnh. Hàng rong cũng theo quy luật cung cầu. Người bán không ngồi một chỗ chờ khách, họ tự tìm đến nơi có khách để bán.

Hàng rong xuất hiện ở nhiều tuyến phố. Ảnh: Anh Tuấn



Tại Hà Nội, đặc biệt là khu vực quận Hoàn Kiếm, nơi tập trung đông du khách thì xuất hiện đủ loại hàng rong, hàng quà dạo trên mỗi phố. Tranh thủ tâm lý của nhiều người ngại mất thời gian ra chợ hoặc vào siêu thị mua sắm và thói quen ăn uống tùy tiện ở đường phố nên hàng rong xuất hiện ở các ngõ ngách, con phố lớn nhỏ. Ngay cả những nơi cần bảo đảm trật tự đô thị nhất như đền chùa, bến xe, bến tàu... hàng rong có số lượng tập trung nhiều hơn. Thậm chí, ngồi ăn uống trong hàng quán khách hàng cũng có thể “bị” rất nhiều hàng rong “tiếp thị”. Thời gian gần đây, Hà Nội xây dựng một số tuyến phố đi bộ, hàng rong cũng len lỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Không những thế, những người bán hàng rong (gánh hàng, đẩy hàng bằng xe đạp, xe tự chế) rong ruổi cả ngày trên hè phố còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua khảo sát của phóng viên, khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), có số lượng người ngoại tỉnh lên Hà Nội thuê trọ để mưu sinh, trong đó có số người bán hàng rong khá đông. Trung tá Nguyễn Chiến Thắng - Phó trưởng Công an phường Chương Dương cho biết, địa bàn phường Chương Dương có 109 nhà trọ với số lượng 569 người trọ thuộc diện KT4. Những người này làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có số lượng không nhỏ đi bán hàng rong. Việc quản lý số nhân khẩu này tương đối khó khăn vì thường xuyên biến động, không ăn ở ổn định, làm nhiều nghề khác nhau. Để giúp những lao động ngoại tỉnh có thêm hiểu biết, Hội Phụ nữ phường đã tổ chức nhiều buổi phổ biến pháp luật, mời chỉ huy Công an phường giải đáp thắc mắc, tuyên truyền về công tác cư trú, bảo vệ tài sản, đặc biệt là việc cấm bán hàng rong ở những khu vực không cho phép và công tác bảo đảm giao thông, trật tự.

Trách nhiệm thuộc chính quyền cơ sở

Có thể nói, hướng tới Thủ đô ngày càng văn minh, sạch đẹp trong đó có việc bảo đảm trật tự đô thị là nỗi trăn trở của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Được biết, ngày 15-1- 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND, về việc ban hành quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, người bán hàng rong bị cấm kinh doanh ở một số khu vực. Quyết định cũng đề cập trách nhiệm của UBND các phường, xã, thị trấn là phải có sổ theo dõi người bán hàng rong trên địa bàn quản lý (bao gồm người bán hàng rong cư trú trên địa bàn và người bán hàng rong ở nơi khác thường xuyên đến địa bàn quản lý hoạt động thương mại) và tình hình hoạt động, chấp hành quy định của đối tượng này.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở phải tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và quy định pháp luật có liên quan về quản lý người bán hàng rong tới đối tượng trực tiếp thực hiện, cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân trên địa bàn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quản lý người bán hàng rong trên địa bàn. UBND các phường, xã, thị trấn phải thông báo công khai, rộng rãi các khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm hoặc cho phép người bán hàng rong thực hiện các hoạt động thương mại thông qua các phương tiện như đài phát thanh, dán các quy định về bán hàng rong tại nơi công cộng để người bán được biết và thực hiện đúng quy định, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người bán hàng rong theo thẩm quyền…

Mặc dù đã có quy định, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhưng việc thực hiện bị hầu hết chính quyền địa phương bỏ ngỏ, dẫn tới tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường vẫn diễn ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Có những khu vực, khi có lực lượng chức năng xuất hiện xử lý, giải tỏa, những người bán hàng rong tìm đủ mọi cách để trốn tránh, khi không có lực lượng chức năng, họ lại tái diễn như một điệp khúc mà nhiều người ví von gọi là: “chợ chạy”, “chợ đuổi”, “chợ cóc”…

Vẫn biết việc quản lý hàng rong là khó khăn, nhưng nếu không lực lượng nào chịu trách nhiệm chính, đổ lỗi cho thiếu kinh phí, thiếu nhân lực... thì việc xây dựng bộ mặt đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, sạch đẹp không dễ gì đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý buôn bán hàng rong: Trách nhiệm thuộc về ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.