(HNM) - Tháng Giêng là đợt cao điểm của lễ hội và cũng là
Đồ ăn “phơi bụi” bên đường vào phủ Tây Hồ. |
Tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), ước tính trung bình mỗi ngày thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trẩy hội. Theo quan sát của phóng viên, ngay tại khoảng sân rộng dưới sân Thiên Trù bày la liệt các đồ ăn sẵn: Bánh mì, bánh đúc, bánh cuốn, bánh phở… không hề được che đậy. Rất hiếm quán có tủ kính để thức ăn như quy định. Đường lên động Hương Tích chạy ven vách núi hẹp, các quán hàng hoàn toàn không có một khoảng cách nào với đường đi, nên đủ loại thực phẩm ăn sẵn… bày bán ngay bên chân người đi lại. Trong khi giá nước sạch ở đây khá đắt đỏ, thì không ai dám khẳng định, thức ăn và cả bát đũa ở các quán bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, các hàng ăn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ chế biến mất vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng… Bên cạnh đó, ý thức của một số người đi lễ ăn, uống xong vẫn tùy tiện vứt rác bừa bãi, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
Các hàng ăn ở phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) cũng chung tình cảnh như ở chùa Hương. Ngay từ đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Tỵ, dòng người đã nườm nượp đổ về đây. Trong khi đó, không ít lều quán ngoài trời, được dựng tạm bợ để kinh doanh mà không hề được che đậy, tránh bụi bẩn. Nhiều hàng bún, phở, đồ nướng, thức ăn chín, sống được bày lẫn lộn. Người bán hàng thản nhiên vừa đếm tiền, lau bàn, thái thịt bò sống, rồi lại bốc thịt, bún, phở vào bát cho khách. Dưới mặt đất, la liệt giấy ăn vứt bừa bãi. Nơi rửa bát đũa càng rất mất vệ sinh khi hàng trăm chiếc bát, đĩa chỉ được rửa trong một chậu nước đặc quánh váng mỡ. Mới đây nhất, ngày 23-2 tổ kiểm tra liên ngành của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và quận Tây Hồ đã phát hiện 2 ki ốt tại phủ Tây Hồ bán bánh đúc có chứa hàn the khiến nhiều người lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn của các hàng ăn ở đây.
Mùa lễ hội ở nước ta diễn ra vào mùa xuân, thời tiết ẩm ướt lại nóng lạnh thất thường, khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Mặc dù chưa xảy ra tình trạng du khách bị ngộ độc thực phẩm trong lễ hội, tuy nhiên, không ít trường hợp bị đau bụng sau khi ăn uống tại các hàng ăn ở phủ Tây Hồ, chùa Hương hoặc các địa điểm tổ chức lễ hội khác như chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương...
Trên thực tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã xây dựng 10 tiêu chí đối với thức ăn đường phố, được áp dụng trong nhiều năm nay. Nhưng ở một số nơi, việc kiểm tra, giám sát hiện nay vẫn khá hời hợt và trong tình trạng "bắt cóc, bỏ đĩa". Do đó, hơn lúc nào hết, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm cho người dân yên tâm tham gia các lễ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.