(HNM) - Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan đang bị rạn nứt nghiêm trọng sau vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden trên đất Pakistan đêm 1-5 vừa qua. Washington đã không thông báo bất cứ thông tin nào về chiến dịch này với nước chủ nhà, cho đến khi đã hoàn tất và rút về Afghanistan.
Pakistan chỉ trích vụ đột kích của Mỹ là "hành động đơn phương trái phép", trong khi Washington thề "đi đến cùng" về việc liệu Islamabad có bao che cho thủ lĩnh al-Qaeda hay không. Bin Laden bị biệt kích Mỹ giết chết tại khu dinh thự được bảo vệ nghiêm ngặt ở thành phố Abbottabad, gần thủ đô Islamabad. Đây là nơi Pakistan đặt học viện quân sự hàng đầu, đồng thời là nơi ở của nhiều tướng lĩnh quân đội đang tại chức và về hưu của nước này. Các quan chức Pakistan ban đầu cho rằng cuộc tấn công tiêu diệt Bin Laden là chiến dịch phối hợp với sự tham gia của an ninh nước sở tại. Tuy nhiên, họ đã rút lại lời sau khi Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh trong thông báo về cái chết của Bin Laden rằng chiến dịch là hoạt động riêng của Mỹ.
Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, Mỹ rất lo ngại Pakistan có thể sẽ phá hỏng chiến dịch tuyệt mật này nếu được thông báo trước. Việc Mỹ hoài nghi Pakistan trong vụ tiêu diệt Bin Laden cũng như cuộc chiến chống khủng bố nói chung như càng căng thẳng hơn khi nhiều nghị sĩ Mỹ đang "đổ thêm dầu vào lửa". Điều đó cho thấy niềm tin của Mỹ với Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố thể hiện qua chiến dịch truy lùng Bin Laden đã lung lay và thậm chí còn ám chỉ rằng y được Pakistan "cho phép sống ở đây". Trong khi đó, đất nước Nam Á này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cách thức Mỹ đã tiến hành chiến dịch mà không báo trước hay được phép của Pakistan. Trong bình luận mới nhất kể từ khi xảy ra cuộc tấn công trên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Ashfaq Kayani tuyên bố sẽ cân nhắc lại chương trình hợp tác chống khủng bố với Mỹ nếu phía Washington lặp lại những hành động mà Pakistan gọi là "vi phạm chủ quyền". Những ngày qua, Chính phủ Pakistan cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định không hề có chuyện bao che cho kẻ thù số 1 của nước Mỹ Osama bin Laden.
Thực tế, 10 năm trước, Mỹ và Pakistan đã kết thành đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Pakistan hàng tỷ USD mỗi năm để đổi lại việc Islamabad hợp tác với Washington trong cuộc chiến dai dẳng này. Nhưng trước khi Bin Laden bị diệt, mối quan hệ Mỹ - Pakistan đã "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Lòng tin của Mỹ vào Pakistan ngày càng mòn dần vì Washington luôn thất vọng rằng Islamabad đã "làm quá ít" trong nỗ lực chống lại các phần tử khủng bố. Đến nay, Mỹ vẫn hoài nghi việc quân đội Pakistan không chỉ nửa vời trong cuộc chiến chống khủng bố mà vẫn duy trì quan hệ với Taliban và tỏ ý nghi ngờ các cuộc tấn công của Taliban tại Afghanistan là do có sự hậu thuẫn của những lực lượng khủng bố lẩn trốn trên lãnh thổ Pakistan. Vụ nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Ray Davis bắn chết hai người Pakistan ở thành phố Lahore hồi cuối tháng 1 vừa qua và các vụ không kích của Mỹ gây thiệt hại người và của trong lãnh thổ của Pakistan khiến quan hệ hai nước thêm trục trặc. Việc Pakistan và Afghanistan xích lại gần nhau trong bối cảnh chính quyền Afghanistan cũng đang xuất hiện mâu thuẫn với Mỹ càng khiến Washington phải đề phòng.
Tuy nhiên, bất chấp những nghi ngờ về thái độ của Pakistan, xem ra Mỹ vẫn cần đến vai trò của quốc gia Nam Á này trong cuộc chiến hiện nay tại Afghanistan. Mỹ cần sự trợ giúp của Pakistan trong nỗ lực kiềm chế sự nổi lên của các phần tử Taliban. Quan trọng hơn, sự trợ giúp của Pakistan là cần thiết để một nền hòa bình sớm được vãn hồi ở Afghanistan. Và chỉ có vậy, Mỹ mới có thể rút quân khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt. Mặt khác, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang trú ẩn tại khu vực biên giới Tây Bắc Pakistan luôn là hiểm họa với binh sĩ Mỹ và đồng minh tại Afghanistan. Vì chính từ đây, các phần tử Hồi giáo cực đoan không chỉ tấn công lực lượng liên quân ở miền Đông Afghanistan, mà còn lên các kế hoạch tấn công châu Âu và Bắc Mỹ.
Từ những mục tiêu trên, Washington sẽ không thể để quan hệ với Islamabad xấu đi. Và dù thế nào đi nữa, Pakistan vẫn là địa bàn quan trọng ở tầm chiến lược của Mỹ trong khu vực; nhưng niềm tin giữa hai nước vừa rạn sẽ không dễ hàn gắn nếu những nghi ngờ không sớm được gột rửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.