Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: “Hồi sinh” sau sóng gió

Thùy Dương| 01/10/2014 06:35

(HNM) - Sau khi tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (từ ngày 26-9), chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong hai ngày 29 và 30-9 được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện quan hệ song phương và xây dựng một liên minh chiến lược mới.


Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức bữa tiệc riêng tại Nhà Trắng chào mừng Thủ tướng Ấn Độ N.Modi trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên cho thấy Washington rất coi trọng mối quan hệ với New Deldi. Như ông B.Obama đã từng khẳng định quan hệ Mỹ - Ấn là "một trong những quan hệ đối tác xác định của thế kỷ XXI", Washington không chỉ xem Ấn Độ như một đối tác thương mại nhiều tiềm năng mà còn là một đối tác chính trị quan trọng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi (trái) và Tổng thống B.Obama.


Thường được miêu tả là "các đồng minh tự nhiên", nhưng trên thực tế quan hệ Ấn Độ và Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió trong hai năm vừa qua liên quan đến những mâu thuẫn trong thương mại và ngoại giao, đặc biệt sau vụ các cơ quan chức năng Mỹ ra lệnh bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York với cáo buộc "gian lận giấy tờ hộ chiếu và bóc lột sức lao động của người giúp việc". Cùng lúc, quan hệ hai nước bắt đầu "thiếu lửa" khi Washington tỏ ra thất vọng trước chính sách mở cửa kinh tế gây trở ngại cho nhiều nhà đầu tư Mỹ bên cạnh nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia Nam Á. Theo ước tính, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm mạnh, từ 1,9 tỷ USD trong năm 2010 xuống còn 800 triệu USD trong năm 2013. Vấn đề khác nữa là dù hai bên đã ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt nhưng quy định về trách nhiệm pháp lý của Ấn Độ tiếp tục làm "nản lòng" các công ty Mỹ muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, hai nước lớn vẫn chia sẻ rất nhiều lợi ích chung, trong đó có việc bảo đảm một cán cân quyền lực ổn định ở Châu Á, nâng cao các quan hệ kinh tế, bảo vệ sự tiếp cận đối với các vấn đề chung toàn cầu, chống khủng bố, mở rộng sự tiếp cận với các nguồn năng lượng và ủng hộ mở rộng nhân quyền. Ấn Độ và Mỹ còn có chung quan ngại về những thách thức từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong khi vẫn tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ với Bắc Kinh và tích cực thắt chặt quan hệ với các cường quốc trong khu vực.

Thế nên, sự hiện diện của ông N.Modi trên đất Mỹ sẽ đánh dấu bước tiến mới hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự. Một nghị trình đầy tham vọng nhưng thực tế về các mối quan hệ an ninh, kinh tế và chính trị sâu sắc hơn sẽ tác động đến toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn thế. Washington và New Delhi sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư song phương, tìm ra giải pháp cho những bất đồng giữa hai bên tại Tổ chức Thương mại thế giới và sớm bắt đầu bàn thảo về tự do thương mại. Hai bên sẽ hoàn tất việc thực thi thỏa thuận hạt nhân dân sự, đánh giá và mở rộng thỏa thuận khung về quốc phòng. Với quốc gia Nam Á, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng N.Modi rất có ý nghĩa trong việc xác định khuynh hướng quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn xuyên suốt nhiệm kỳ của Chính phủ do Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) đứng đầu. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng N.Modi hiện ở vị thế tốt hơn người tiền nhiệm Manmohan Singh để khai thác đầy đủ tiềm năng quan hệ với Mỹ. Tiến sĩ Raja Mohan - chuyên viên đặc biệt tại Viện Nghiên cứu nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ - nhận định rằng, sau các cuộc trao đổi cấp cao với hai nước phía đông là Nhật Bản và Trung Quốc, chuyến thăm của Thủ tướng N.Modi tới bán cầu phía tây là Mỹ sẽ đánh dấu đỉnh cao trong "khúc dạo đầu" về chính sách ngoại giao của NDA đối với các nước lớn. Rõ ràng, ông N.Modi đang áp dụng một chiến lược ngoại giao thật khôn khéo để thắt chặt quan hệ với các cường quốc, đồng thời cũng để tái khẳng định vai trò cường quốc mới của Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Thủ tướng N.Modi đã kích thích tâm trạng của đông đảo người Mỹ gốc Ấn vì họ tin rằng ông có thể giúp Ấn Độ chứng tỏ nước này là một cường quốc đang vươn lên toàn cầu. Trong khi đó, về phía Mỹ, ba nhân vật hàng đầu của Nhà Trắng gồm Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker cũng đã đến thăm New Delhi khi ông N.Modi nhậm chức. Không riêng các chính trị gia, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ với mong muốn bù đắp sụt giảm trong chi tiêu quân sự cũng đang theo dõi chặt chẽ những động thái từ chính quyền của Thủ tướng N.Modi. Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng IHS Janes, năm ngoái, Ấn Độ là khách hàng lớn nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Chuyến thăm của ông N.Modi đặt ra một cơ hội quan trọng cho việc hồi sinh các mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mỹ sau một thời kỳ sóng gió. Dù các quan chức Mỹ không kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ mang lại những đột phá ấn tượng nhưng hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới, thổi một luồng sinh khí mới cho quan hệ hai nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: “Hồi sinh” sau sóng gió

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.