(HNM) - Dịch vụ di động 4G cung cấp cho người dùng trong nước đến nay đã 18 tháng. Tuy nhiên, thời điểm này, việc cung cấp dịch vụ 5G đã được một số nước chuẩn bị.
Tại hội thảo quốc tế về 4G/5G do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tại Việt Nam tổ chức vào tháng 4-2018, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về các điều kiện cho phát triển 4G, thì nội dung về chuẩn bị cho 5G cũng đã được đặt ra. Theo các chuyên gia, phải đến cuối năm 2019, Liên minh Viễn thông thế giới ITU mới thống nhất đưa ra quyết định phân bổ băng tần cho 5G, nhưng một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có kế hoạch về băng tần cho công nghệ tương lai này.
Như đã nêu, các nhà mạng trong nước mới cung cấp dịch vụ 4G được 18 tháng, vậy nói chuyện 5G có là quá sớm với Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới?
Theo chuyên gia đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thì không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch cho 5G. Việc lập kế hoạch sớm giúp triển khai 5G kỹ lưỡng, hiệu quả hơn và như vậy, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác ngay từ bây giờ cần bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G. Dựa trên một thống kê năm 2017, thị trường Việt Nam có 40% smartphone bán ra có khả năng kết nối 4G, dự kiến con số này tăng lên 55% vào năm 2018 cho thấy internet tiếp tục mở rộng và đó là cơ hội để phát triển 5G. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tiến lên 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ mà là phát triển trên nền sẵn có nhằm tránh lãng phí. Đặc biệt, trong quá trình này, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển tòa nhà thông minh, đô thị thông minh, dịch vụ video trực tuyến…
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, đến tháng 11-2019, Liên minh Viễn thông thế giới ITU mới tổ chức hội nghị vô tuyến thế giới và công bố quy hoạch băng tần cho 5G. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam đã thực hiện quy hoạch băng tần cho 4G/5G từ hàng chục năm trước. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dành các băng tần 2,6GHz (2.600MHz), 2,3GHz (2.300MHz) và 700MHz cho các dịch vụ băng rộng di động 4G/5G. Vấn đề của 5G là thương mại hóa, hay nói cách khác là các ứng dụng cho công nghệ này. Đây cũng là vấn đề không nhỏ đặt ra với các cơ quan quản lý và chính các nhà mạng.
Trở lại với 4G, dịch vụ này tại Việt Nam được Tập đoàn VNPT tiên phong thử nghiệm (tháng 11-2015), chính thức cung cấp dịch vụ (tháng 1-2016) tại riêng huyện đảo Phú Quốc. Lần lượt sau đó, các nhà mạng còn lại thử nghiệm và chính thức cung cấp dịch vụ trong cả nước. Đến nay, mới chỉ có Tập đoàn Viettel chính thức công bố với truyền thông đạt 10,6 triệu thuê bao sau một năm khai thác. Còn theo các số liệu không chính thức, được biết hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone mỗi mạng có khoảng 4-5 triệu thuê bao 4G. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, trong các số liệu kể trên, bao nhiêu thuê bao ghi nhận dùng sim 4G, bao nhiêu thuê bao thực phát sinh doanh thu data (dữ liệu)... cho nhà mạng vẫn còn là ẩn số. Theo số liệu từ năm 2017, trong tổng số doanh thu của nhà mạng, doanh thu dữ liệu (gồm cả 3G và 4G) chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với MobiFone đạt 24% doanh thu data, tiếp sau là Viettel với 22% và VinaPhone là 18% - cho thấy, lượng người dùng data 3G và 4G còn thấp.
Vì vậy, nói về 5G tại thị trường Việt Nam giờ có lẽ là quá sớm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.