Công nghệ

Chất lượng dịch vụ 5G sẽ được cải thiện?

Châu Anh 15/03/2024 - 13:40

Sự kiện Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá các khối băng tần dành cho 5G đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Người dùng quan tâm thông tin, các băng tần khác nhau sẽ đem lại hiệu quả như thế nào cho nhà mạng, đặc biệt có làm thay đổi tốc độ truy cập internet và chất lượng dịch vụ 5G hay không..?

mobifone-lap-dat-5g_1.jpg
Các nhà mạng đã thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G ở nhiều địa phương trong cả nước.

Các băng tần đã, đang được đưa ra đấu giá gồm: 2500-2600MHz; 3700-3900 MHz (gồm 2 khối 3700-3800 MHz và 3800-3900 MHz).

Băng tần 2500-2600MHz được ví như băng tần "vàng" có giá khởi điểm gần 3.984 tỷ đồng/khối; băng tần 3700-3900MHz có giá khởi điểm gần 1.957 tỷ đồng/khối.

Tại phiên đấu giá ngày 8-3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá băng tần "vàng" 2500-2600 MHz.

Khối băng tần 3800-3900 MHz được đấu giá ngày 14-3. Phiên đấu giá không thành vì không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia theo quy định. Còn khối băng tần 3700-3800 MHz theo kế hoạch sẽ được tổ chức đấu giá vào ngày 19-3.

Băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm gồm: Băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000-2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500-7.000 MHz) và băng tần tầm cao (24.000-48.000MHz).

Về đặc điểm công nghệ, băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ cực thấp và dung lượng cao hơn các băng tần thấp; nhưng có nhược điểm là vùng phủ hẹp nên nếu cung cấp dịch vụ ở băng tần này sẽ phải đầu tư nhiều trạm thu phát sóng (BTS) hơn, khiến chi phí cho hạ tầng của nhà mạng sẽ cao hơn.

Băng tần thấp có ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm được chi phí đầu tư BTS hơn, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với băng tần cao. Điều này minh chứng cho việc cơ quan quản lý định giá băng tần "vàng" 2500-2600 MHz có giá khởi điểm cao gấp đôi so với 1 khối của băng tần 3700-3900 MHz.

Theo các chuyên gia, các dải băng tần đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau đối với nhà mạng trong quá trình tổ chức đầu tư các hệ thống kỹ thuật 5G và tối ưu hóa chi phí. Thông thường chi phí tần số, chi phí đầu tư càng thấp thì nhà mạng sẽ có điều kiện cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn hơn cho khách hàng.

Hiện số lượng thiết bị đầu cuối 5G hỗ trợ các băng tần tầm trung 2 đang tương đương số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần trung 1. Việc các nhà mạng triển khai 5G ở tần số 3700-3900 MHz sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng về máy điện thoại, thiết bị đầu cuối.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) năm 2023, hiện các loại băng tần tầm trung 2 (3.700- 3.900 MHz) đang có 152 nhà mạng sử dụng, cao hơn 8,4 lần số nhà mạng đang sử dụng băng tần tầm trung 1 (2.600 MHz) với 18 doanh nghiệp. Điều này cho thấy mức độ phổ biến, xu hướng và lợi thế của dải băng tần 3.700 - 3.900 MHz trong việc phát triển lên mạng lưới 5G thời gian tới.

Như vậy, để thấy rằng việc đấu giá băng tần 5G được coi là điều kiện cần để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ cạnh tranh thông qua việc triển khai hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số, các ứng dụng quản lý và điều hành sản xuất cho các doanh nghiệp, dịch vụ truy cập internet không dây tốc độ cao thay thế cáp quang… Không chỉ vậy, các nhà mạng còn cần tối ưu hóa chi phí đầu tư, chi phí tần số để cung cấp dịch vụ mới với giá thành tốt hơn, cạnh tranh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng dịch vụ 5G sẽ được cải thiện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.