Theo dõi Báo Hànộimới trên

Qua đường Tam Trinh nhớ sự tích Cầu Voi

TUANPHONG| 03/05/2009 07:29

(HNM) - Năm 1990, một con đường nằm ở bờ đông sông Kim Ngưu, từ cầu Mai Động chạy ra ngã ba Yên Sở, quận Hoàng Mai được HĐND thành phố đặt tên là đường Tam Trinh. Ông Tam Trinh (người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) giỏi võ vật, một lần du ngoạn qua vùng đất Mai Động, thấy rừng mơ cảnh đẹp, ông dừng chân và mở lớp dạy chữ rèn người.

(HNM) - Năm 1990, một con đường nằm ở bờ đông sông Kim Ngưu, từ cầu Mai Động chạy ra ngã ba Yên Sở, quận Hoàng Mai được HĐND thành phố đặt tên là đường Tam Trinh. Ông Tam Trinh (người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) giỏi võ vật, một lần du ngoạn qua vùng đất Mai Động, thấy rừng mơ cảnh đẹp, ông dừng chân và mở lớp dạy chữ rèn người.

Người Mai Động và các trai tráng trong vùng theo học rất đông. Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, ông Tam Trinh cùng hàng ngàn tráng đinh trong vùng đã lên Hát Môn tụ nghĩa...

Một đoạn sông Kim Ngưu.

Nhớ người anh hùng có công "Phù Trưng lập quốc", hằng năm, từ ngày mùng 4-6 Tết, Mai Động mở hội vật; ngày 10 tháng 2 âm lịch (ngày hóa của Tam Trinh) lại tổ chức tế lễ tưởng niệm nhà giáo đầu tiên trong lịch sử dân tộc tham gia chống giặc ngoại xâm và là Tổ môn vật của nước ta.

Năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, sông Kim Ngưu đã được kè đá, trên bờ lát gạch rộng 4-5m và trồng cây xanh. Cũng dịp này, tại ngã ba Lĩnh Nam-Tam Trinh, cây cầu cũ kỹ nhỏ bé đã được thay bằng một cây cầu bê tông dài với tên gọi là Cầu Voi. Lịch sử cây cầu gắn liền với trang sử bi hùng của Nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo.

Sách "Khởi nghĩa Lam Sơn" của Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn viết rằng, để bao vây và tiến tới giải phóng thành Đông Quan, cuối năm 1426, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã dời đại bản doanh Nghĩa quân Lam Sơn từ Tây Phù Liệt (nay là thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp) sang Đông Phù Liệt (xã Đông Mỹ, Thanh Trì). Tháng 4-1427 lại dời đại bản doanh từ Đông Phù Liệt đến bến Bồ Đề (quận Long Biên) ở bờ Bắc sông Nhị Hà, đối diện với thành Đông Quan.

Ngày 4-4-1427, Vương Thông chỉ huy một đội quân tinh nhuệ bất ngờ tập kích doanh trại của Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Số ít quân ở lại coi doanh trại đã chống trả quyết liệt. Được tin, Lê Lợi đã phái tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí đem 500 quân thiết đột đến ứng cứu. Nghĩa quân anh dũng đánh lui quân địch và truy kích đến My Động (làng Mai Động ngày nay) và chỉ còn cách cửa ô Cầu Dền khoảng 1,5km. Trên đường thua chạy thấy có ít quân ta đuổi theo, Vương Thông bất ngờ quay lại đánh. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi chiến đấu, chẳng may cả hai voi chiến bị sa lầy nên cả hai ông đều bị giặc bắt đưa về thành Đông Quan. Sau đó, nhân đêm mưa gió, Nguyễn Xí dùng mưu trốn thoát còn Đinh Lễ thì bị giặc giết.

Sau trận này, Vương Thông nhân đó thổi phồng thắng lợi và phao tin viện binh sắp sang để củng cố tinh thần quân Minh đang bị vây hãm trong thành. Ngay sau đó, Nguyễn Trãi liền gửi thư cho Vương Thông vạch trần những luận điệu giả dối ấy và chứng minh rằng, một trận tập kích nhỏ của chúng cũng không thể nào thay đổi được tình thế. Nguyễn Trãi viết: "Tôi nghe: múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi; thêm một gáo nước biển cả không phải vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi không thấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua nhỏ mà sợ. Nay các ông có tàn quân vài nghìn, giữ một thành trơ trọi, lương sắp hết mà viện binh không thấy đến, chúng lìa lòng mà quân ngày ít đi, cái thế mạnh yếu được thua có thể ngồi mà suy biết được… Các ông có thắng một trận nhỏ cũng không thấy là mạnh, mà ta dẫu có thua một trận nhỏ cũng không thấy là yếu".

Người Mai Động kể rằng, khi trận chiến kết thúc, dân trong ấp đã mai táng và đắp mồ cho voi. Đất ấy được dân gọi là Đống Voi. Năm 1958, thành phố đào một con sông thoát nước chạy thẳng từ cửa ô Đống Mác đến ngã ba đền Lừ, dài 2km cũng được gọi là sông Kim Ngưu. Cây cầu nhỏ bằng tre gỗ đơn sơ bắc qua sông ở cuối làng cũng được gọi Cầu Voi. Ngôi chợ làng nhỏ bé (nằm trên đất nghĩa trang cũ) ở bờ đông cầu cũng được gọi chợ Cầu Voi.

Tháng 8-2005, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long và Chi hội Mai Động đã tổ chức hội thảo "Mai Động trong chiến dịch bao vây và giải phóng thành Đông Quan-1427", đã đánh giá cao những đóng góp đặc biệt của nhân dân Mai Động trong lịch sử. Mới đây, ngày 4-3-2009, nhân kỷ niệm 1966 năm ngày Đô úy Tam Trinh hy sinh, chính quyền quận Hoàng Mai và nhân dân Mai Động tổ chức trọng lễ gắn biển ghi tóm lược "Sự tích Cầu Voi" trong khởi nghĩa Lam Sơn cho một địa danh lịch sử ở cửa ngõ phía Nam thành phố.

Trần Văn Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua đường Tam Trinh nhớ sự tích Cầu Voi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.