(HNM) - Hoàn thiện thiết chế văn hóa là một trong những mục tiêu được thành phố Hà Nội đặt ra nhiều năm qua, nhằm phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần người dân. Hiện ở khu vực ngoại thành Hà Nội về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu về nhà văn hóa; trong khi đó, tại khu vực nội thành, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để tiến tới “phủ sóng” các thiết chế văn hóa này.
Thiếu và chưa đồng bộ
Là địa bàn rộng và đông dân cư, song phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) lại chỉ có duy nhất một điểm sinh hoạt cộng đồng tại số 64 phố Yên Phụ, nên 7 tổ dân phố của phường phải dùng chung thiết chế văn hóa hoặc “mượn tạm” cơ sở vật chất của các đơn vị, cơ sở khác mỗi khi cần hội họp hoặc sinh hoạt văn hóa. Bà Dương Thị Thu Huyền (công chức văn hóa - xã hội UBND phường Nguyễn Trung Trực) cho biết, điểm sinh hoạt cộng đồng hiện giờ chủ yếu do hai tổ dân phố số 1 và số 2 khai thác. Các tổ dân phố còn lại, do cách xa với địa điểm trên, nên thường phải tận dụng trụ sở tuần tra hay không gian của trạm y tế phường gần đó để hội họp.
“Người dân trên địa bàn rất mong muốn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa, bởi cơ sở duy nhất hiện có của phường cũng chưa đạt yêu cầu về diện tích, phương tiện, trang thiết bị phục vụ. Số người được đi họp rất hạn chế mà việc khai thác, phát huy hạt nhân văn hóa, thể thao trên địa bàn phường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, bà Dương Thị Thu Huyền chia sẻ.
Câu chuyện tại phường Nguyễn Trung Trực là thực trạng chung của nhiều phường trên địa bàn quận Ba Đình. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình Nguyễn Thị Nhàn, kinh phí xây dựng không phải là vấn đề, mà do không có quỹ đất. Toàn quận có 217 tổ dân phố, thì chỉ có 92 điểm sinh hoạt cộng đồng, chưa có nhà văn hóa cơ sở, nên việc dùng chung nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng còn phổ biến. Các địa điểm này cũng mới chỉ đáp ứng được việc hội họp quy mô nhỏ, do diện tích eo hẹp, nhiều nơi chỉ khoảng 20-30m2.
Điều đáng nói, tình trạng thiếu và chưa đồng bộ nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng còn lặp lại ở rất nhiều quận trên địa bàn Hà Nội. Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vào tháng 12-2021 cho thấy, toàn thành phố có 4.123/5.406 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, thì khu vực nội thành chỉ có 1.689 công trình, đạt 31% độ “phủ sóng” trên khu vực. Nhiều phường tại khu vực này vẫn “trắng” nhà văn hóa, chưa kể, phần lớn điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ đáp ứng được việc hội họp, chưa khai thác được các hoạt động văn hóa, thể thao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do không bố trí được quỹ đất.
Cần làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất
Để hoàn thiện thiết chế cơ sở, nhất là ở khu vực nội thành, ngày 22-2-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch đặt ra nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí “100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 40% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Với mục tiêu đề ra này, theo nhiều chuyên gia văn hóa, Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động thêm nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao có diện tích, quy mô nhỏ, cần có phương án thỏa thuận, bồi thường thu hồi đất trong dân để mở rộng diện tích sử dụng. Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao sử dụng quá lâu, đã xuống cấp, cần đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch bố trí vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa cho đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, có biện pháp khắc phục phù hợp...
Để “phủ sóng” thiết chế văn hóa khu vực nội thành, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho biết, các địa phương có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu xen kẹt, các công trình sử dụng không hiệu quả để xây dựng thiết chế văn hóa, giống với cách làm sáng tạo ở quận Đống Đa, khi chuyển đổi công năng các nhà vệ sinh công cộng thành điểm sinh hoạt cộng đồng. Đối với những địa bàn không có khả năng để bố trí quỹ đất, có thể đặt vấn đề với các trung tâm văn hóa hay các thiết chế văn hóa của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể… đóng trên địa bàn chưa sử dụng hết công suất để xây dựng quy chế phối hợp, cùng khai thác, vừa tránh lãng phí, vừa mang lại hiệu quả về đời sống văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.