(HNM) - Cuộc họp quan chức cao cấp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết (NAM) vừa diễn ra tại đảo Margarita (Venezuela). Với khẩu hiệu “Đoàn kết trên con đường hòa bình”, đại diện 120 nước thành viên cùng thảo luận về liên kết giữa các khối hội nhập khu vực tại Châu
“Đoàn kết trên con đường hòa bình” là chủ đề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của NAM tại Venezuela. |
Venezuela - với tư cách nước chủ nhà Hội nghị - đã tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên NAM nhiệm kỳ 3 năm từ Iran. Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu cũng như khu vực đối mặt nhiều khó khăn, việc Venezuela lần đầu tiên đảm nhận trọng trách này là một thách thức không nhỏ, nhất là khi mục tiêu của Caracas đề ra được đánh giá là khá tham vọng, đó là: "Xây dựng một trật tự thế giới mới không chỉ trong lĩnh vực kinh tế và xã hội mà mở rộng sang lĩnh vực thông tin". Bên cạnh đó là việc phối hợp giải quyết xung đột tại Trung Đông và tình hình bất ổn tại một số quốc gia Mỹ Latinh.
Ra đời từ năm 1961, với các tiêu chí độc lập dân tộc, không tham gia các khối liên minh quân sự, phản đối các căn cứ quân sự nước ngoài tại lãnh thổ các nước thành viên, bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc và đấu tranh vì giải trừ vũ khí triệt để, toàn diện, NAM hiện quy tụ thành viên chính thức ở khắp các châu lục: Á, Phi, Mỹ Latinh và Caribe, Đông Âu, chiếm tới 60% số quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Với quy mô tầm cỡ như vậy, NAM thật sự là một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của thời đại và đã có đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thế giới.
Trải qua 55 năm, dù vẫn duy trì, phát triển nhưng với áp lực là một tổ chức quốc tế lớn, nhiều thành viên, NAM không tránh khỏi những khó khăn, thách thức sự đoàn kết, gắn bó của phong trào. Những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt chế độ chính trị, xã hội, lập trường, quan điểm, tín ngưỡng, tôn giáo, xu hướng thực dụng về đối ngoại của một số nước thành viên… Bởi vậy, sự đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động của NAM là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi thiện chí và nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả phong trào và từng quốc gia thành viên của khối liên kết này. Ngoài ra, xu thế toàn cầu hóa ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của thế giới nhưng đồng thời tạo nên những nguy cơ, thử thách mới và ngày càng gia tăng đối với các quốc gia. Đặc biệt, các nước trong NAM phần lớn là nước nghèo, đang phát triển và kém phát triển, với 3,3 tỷ người (chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu) nhưng tổng GDP chỉ chiếm 6,5% GDP thế giới. Bởi vậy, NAM phải đứng trước nhiều thách thức. Trong “sân chơi toàn cầu hóa” về kinh tế thì sự thua thiệt, bất công, bất bình đẳng thường thuộc về các nước thành viên NAM, dẫn đến tình trạng nghèo đói, dịch bệnh, mất ổn định ở nhiều nước. Rất nhiều nước trong NAM đã và đang phải đối mặt những khó khăn từ sự áp đặt, can thiệp, bao vây, cấm vận, sử dụng vũ lực từ chủ nghĩa bá quyền. Vì vậy, mục tiêu bảo vệ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... vẫn là một bài toán nan giải đối với NAM.
Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh NAM lần thứ 17 sẽ kết thúc vào ngày 18-9. Vẫn còn sớm để khẳng định 120 quốc gia thành viên có đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá trong lộ trình thực hiện những mục tiêu được đề ra hay không. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục biến chuyển nhanh chóng, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp hành động để giải quyết những thách thức chung. Hơn lúc nào hết, các thành viên NAM cần đề ra biện pháp hiệu quả, nhằm khẳng định vai trò trong quan hệ quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua đó, NAM sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước thành viên, đồng thời thúc đẩy duy trì hòa bình, tham gia giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.