(HNMCT) - Thời điểm hiện tại đang là mùa lễ hội xuân 2023, phần lớn người dân đi du xuân thường sử dụng thức ăn đường phố và các loại nước giải khát, nước hoa quả được bày bán sẵn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.
Đồ ăn vặt, quà sáng đắt khách
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các món đặc trưng ngày Tết như giò chả, thịt gà, bánh chưng, nem rán... khiến nhiều người cảm thấy ngán nên những quán phở, bún, đồ ăn vặt thu hút rất đông thực khách.
Trở lại Hà Nội để đi làm vào ngày mồng 9 tháng Giêng (tức 30-1), chị Nguyễn Hương Thủy (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày Tết ăn quá nhiều đạm, đồ nếp, đồ ngọt nên khi đi làm lại, tôi tìm đến các hàng quán ăn vặt gần cơ quan ngay. Mức giá của thức ăn đường phố dịp sau Tết không đắt hơn ngày thường là bao nhiêu, bạn bè cũng thích hẹn nhau ở các quán ăn vặt để tiện hàn huyên, tâm sự”.
Những món ăn vặt dân dã, lạ miệng sau những bữa cỗ Tết đủ đầy tuy được nhiều người yêu thích nhưng lại ẩn chứa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Đón nhu cầu của người dân, nhiều quán hàng được mở kiểu "thời vụ" nên không có khu vực bếp đảm bảo an toàn thực phẩm. Không khó để thấy khu vực “hậu cần” ở những quán ăn kiểu này la liệt bát đĩa, muỗng, đũa nằm chung trong những thau nước nổi đầy váng dầu mỡ và được rửa sơ sài. Không ít hàng quán nằm gần điểm tập kết rác, có quán nằm ở khu vực đầy bụi, ngay gần cống... Quán ăn vỉa hè thường không có khu vực vệ sinh, nơi rửa bát đĩa; đầu bếp không mang bao tay trong quá trình chế biến món ăn; thực phẩm được bảo quản sơ sài, thùng đựng rác chưa có nắp đậy.
Thực khách du xuân thường quan tâm đến sự tiện lợi, hợp khẩu vị, không quan tâm nhiều lắm tới vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không ít hàng quán bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, trong khi việc giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng trong dịp sau Tết rất khó khăn, vì các hàng quán này chỉ kinh doanh vào một vài thời điểm trong ngày, thậm chí có hàng quán chỉ bán trong dịp sau Tết rồi lại nghỉ, có người nay bán chỗ này, mai lại chuyển bán chỗ khác.
Cẩn thận với thức ăn đường phố
Để tăng cường quản lý việc kinh doanh thức ăn đường phố, thành phố Hà Nội đã nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Ngày càng có nhiều cửa hàng ăn uống đường phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Ở những nơi này, chủ quán niêm yết giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, công khai địa chỉ, nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại khu khách hàng ăn uống.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ hội xuân 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tập trung tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh về "10 nguyên tắc vàng" chế biến thực phẩm, hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin về các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn. Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết: “Để thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh an toàn, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở địa chỉ tin cậy, nói không với thực phẩm “bẩn”; kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các quán ăn không tuân thủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp sau Tết, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, khách hàng cần lựa chọn những quán ăn trông sạch sẽ, thức ăn được che chắn cẩn thận và nên chọn những món ăn đã được nấu chín kỹ; tránh gọi những món ăn lạ hoặc những món mà bản thân có tiền sử dị ứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.