(HNMCT) - Nhiều người chủ quan cho rằng ngộ độc thực phẩm chỉ xảy ra vào mùa hè do thời tiết nắng nóng, vi khuẩn sinh sôi, thực phẩm dễ bị ôi thiu. Trên thực tế, thời tiết trở lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu khâu chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn.
Nguy cơ ngộ độc từ... tủ lạnh
Ngày nay, tủ lạnh, tủ đông đã trở thành thiết bị gia dụng không thể thiếu trong căn bếp của mọi gia đình. Nhiều bà nội trợ coi chiếc tủ lạnh giống như “chiếc túi thần kỳ của Doraemon” giúp họ tích trữ nhiều thức ăn để tiết kiệm thời gian, không phải đi chợ hằng ngày. Đây là thói quen phù hợp với nhịp sống bận rộn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều loại thức ăn trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ, bởi không phải thức ăn cứ được bảo quản đông lạnh là không bị hỏng.
Bên cạnh đó, việc để lẫn lộn các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, thức ăn chín, thức ăn sống cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, tiêu chảy. Việc rã đông thực phẩm không đúng cách cũng dễ khiến phần thực phẩm sau khi rã đông bị nhiễm khuẩn.
Khi lấy thức ăn trong tủ lạnh, nhiều người có thói quen chỉ hâm nóng lại mà không biết đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Thức ăn chỉ được hâm nóng, chưa đạt đến nhiệt độ sôi vài phút thì không thể diệt được vi khuẩn. Vì vậy, khi lấy đồ ăn chín trong tủ lạnh ra thì cần phải nấu sôi lại để diệt hết vi khuẩn. Các loại thực phẩm không thể nấu sôi như giò mỡ, thịt đông thì cần phải bảo quản kỹ càng bằng hộp kín, tránh vi khuẩn xâm nhập.
Để bảo quản tốt đồ ăn thừa, không làm mất đi chất dinh dưỡng, không gây hại đối với sức khỏe, tốt nhất là nên bảo quản trong hộp thủy tinh, tránh các loại hộp bằng chất liệu nhựa tái sinh.
Thức ăn thừa phải được để nguội trước khi cho vào tủ lạnh; nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và phân loại các loại thực phẩm vào từng ngăn, hộp riêng biệt.
Cẩn thận khi mua rau củ quả trái mùa
Thời tiết chớm lạnh, nhiều người bị bệnh liên quan đến đường ruột hoặc ngộ độc thực phẩm do ăn rau củ quả trái mùa không đảm bảo an toàn. Thực phẩm nói chung, rau quả nói riêng có tính mùa vụ. Nhu cầu đời sống ngày càng tăng, đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm, và rau quả trái vụ thì giá càng cao, lại dễ bán. Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhà sản xuất đã nhanh nhạy áp dụng các biện pháp để cho ra đời nhiều loại rau quả trái mùa. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm thì vào mùa khô, nguy cơ ô nhiễm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau sẽ cao hơn mùa mưa. Do đó, nên chọn rau vào vụ chính, là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, dẫn đến số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực và phân bón ít; ở vụ nghịch, để đạt năng suất cao thì nhà nông phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, do vậy rau quả có thể có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vượt quá giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, các bà nội trợ không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, lá bóng, mà nên chọn rau có màu xanh nhạt, cây rau có vẻ hơi cằn. Cũng như vậy, với những loại củ quả trái mùa, chúng ta không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc thậm chí hơi nhỏ; không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng.
Mùa đông là mùa của nhiều loại trái cây, rau củ, do đó, nên ưu tiên chọn các loại rau củ quả “mùa nào thức nấy” như các loại rau cải ngọt, cải ngồng, cải cúc, cải canh, cải mơ, cải bẹ xanh, cải xoong, rau xà lách, su hào, súp lơ...
Cũng theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, việc rửa rau củ là một trong những yếu tố quan trọng giúp hạn chế tối đa việc đưa độc tố vào cơ thể. Khi rửa rau, chúng ta nên để rau ngay dưới vòi nước, rửa rau bằng nước ấm (không quá nóng hoặc quá lạnh) nhằm làm sạch những chất cặn bẩn bám trong rau củ. Bên cạnh đó, mọi người cần hạn chế tối đa việc ăn rau sống hay các món gỏi để tránh nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.