(HNM) - Bốn năm triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã tạo nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay, nguồn cung nông sản sạch của các tỉnh xuất hiện ở hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô khá đa dạng, phong phú...
Trang trại của ông Nguyễn Văn Nghiệp (tỉnh Bắc Giang) đang cung cấp hơn 1 tạ thịt gia súc/ngày cho một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết, sản phẩm của trang trại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm... Tương tự, Hợp tác xã Rau an toàn Quyết Chiến (tỉnh Hòa Bình) đang trồng hơn 1,5ha rau, củ, quả an toàn: Cà chua, cải bắp, cải thảo, súp lơ, cà rốt, dưa lê… cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Theo bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Quyết Chiến, nhờ tham gia chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn giữa thành phố Hà Nội với tỉnh Hòa Bình, hợp tác xã cung cấp 1-2 tấn rau/tháng cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đánh giá về hiệu quả chương trình trên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, 4 năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Qua đó, đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 184 chuỗi so với năm 2018). Nhìn chung, các sản phẩm trong chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhiều hàng hóa đã truy xuất được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, giá cả hàng hóa ổn định khi sản phẩm được đưa vào các kênh phân phối hiện đại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt giữa Hà Nội với các tỉnh vẫn còn hạn chế do vùng sản xuất chuyên canh của các tỉnh hiện chưa phù hợp với quy hoạch, hoặc có vùng được quy hoạch lại không phát triển được... dẫn tới nguồn cung không ổn định. Đơn cử, theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn nhỏ lẻ, manh mún, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm thấp. Trong khi đó, chương trình phối hợp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm với Hà Nội chưa được các cơ quan chức năng duy trì thường xuyên...
Để tháo gỡ khó khăn trong việc đưa nông sản sạch về Hà Nội tiêu thụ, ông Nguyễn Viết Tính, Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) cho rằng, các ngành chức năng cần tích cực hơn nữa hỗ trợ người dân trong xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, tổ chức các hội nghị kết nối để người sản xuất và doanh nghiệp tìm hiểu, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm...
Để thúc đẩy việc phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt giữa Hà Nội với các tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội kết nối với các cơ sở sản xuất của các tỉnh; giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội… Cùng với đó, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh thông qua hội chợ. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ và sản phẩm của Hà Nội đi các tỉnh để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh nông sản mất vệ sinh an toàn thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.