Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong phú hàng tiêu dùng Tết

Thanh Hiền| 13/01/2017 06:57

(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Những ngày này, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đã được tập kết về các chợ và siêu thị với số lượng lớn và phong phú về chủng loại.


Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị BigC Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn


Rộn ràng sắm Tết

Vừa qua rằm tháng Chạp, không khí Tết đã rộn ràng tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ, siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa phong phú về chủng loại để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng bánh kẹo ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước Tết hơn một tháng, cửa hàng đã chuẩn bị thêm khoảng 20% lượng hàng, có những mặt hàng chuẩn bị nhiều hơn khoảng 30-40% như bánh, kẹo, rượu, bia, nước ngọt… để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo bà Hằng, giá cả hàng hóa năm nay tăng không đáng kể, chỉ từ 5-10% đối với những mặt hàng có bao bì in hình mang không khí Tết như bia, bánh, kẹo… Ví dụ như giá một số loại bia được tiêu thụ nhiều như Heineken thùng 24 lon x 330ml có giá 375.000 đồng/thùng, Tiger thùng 24 lon x 330ml giá 310.000 đồng/thùng…

Đáng chú ý, trên thị trường hàng Tết năm nay, các sản phẩm bánh kẹo không bao bì, nhãn mác, bán theo cân giảm đáng kể, do tâm lý người tiêu dùng e ngại vấn đề an toàn thực phẩm. Bên cạnh các sản phẩm nhập khẩu, các nhãn hàng Việt Nam như Kinh Đô Mondelez, Hải Hà, Bibica, Thu Hương… đã đưa ra những sản phẩm Tết đẹp, chất lượng, giá phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Chị Đặng Thị Ánh, chủ một shop thực phẩm, bánh kẹo tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cho biết, cửa hàng có khoảng 1.500 mặt hàng sẵn sàng phục vụ Tết. Tuy nhiên, cửa hàng sẽ không dự trữ quá nhiều hàng hóa vì người dân có xu hướng đi chơi Tết nhiều hơn nên không dự trữ thực phẩm như trước kia. "Do có kế hoạch nhập hàng từ thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nên đến nay các mặt hàng phục vụ Tết rất phong phú về chủng loại, và sẽ không có tình trạng “cháy” hàng dịp sát Tết.

Bên cạnh các mặt hàng bánh, kẹo, rượu, bia, nguồn hàng thực phẩm chế biến, đến thời điểm này lượng hàng hóa được các cửa hàng bày bán nhiều hơn. Chị Thu Hà kinh doanh tổng hợp trái cây, đồ khô tại chợ Hôm cho biết, những sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết như măng, miến, mộc nhĩ, bánh đa nem… đã được cửa hàng nhập về trước Tết 1 tháng, tăng khoảng 40% so với ngày thường. Năm nay giá hàng hóa khá ổn định, chỉ có măng khô, mộc nhĩ, nấm hương tăng nhẹ. Tuy nhiên, sức mua của người dân vẫn thấp, phải từ ngày rằm tháng Chạp người dân mới mua sắm nhiều. Hơn nữa, mua sắm hàng Tết những năm gần đây không còn khó khăn như ngày xưa, vì nhiều cửa hàng mở cửa từ mùng 2 Tết. Riêng nguồn cung thịt và sản phẩm trứng gia cầm đã được các tiểu thương dự trữ dồi dào, bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

Sôi động nhất thời điểm giáp Tết là các mặt hàng giò, thịt lợn, thịt bò, bánh chưng. Những cơ sở làm giò, bánh chưng truyền thống như Quốc Hương, Phúc Lộc, Ước Lễ… đã chuẩn bị hàng Tết từ rằm tháng Chạp. Theo phản ánh của các hộ kinh doanh, đến thời điểm này giá các loại giò tăng nhẹ, còn từ nay đến Tết Nguyên đán, giá có tăng nữa hay không phụ thuộc vào sức tiêu thụ của người tiêu dùng.

Không để tình trạng "Tết là tăng giá"

Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá hàng hóa phục vụ Tết có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Cụ thể, lương thực tăng nhẹ 3-5%; giá thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả dự báo tăng 5-10%; các sản phẩm bia, rượu tăng nhẹ 2-4%... Hiện giá các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như nấm hương, mộc nhĩ, đỗ xanh… vẫn ổn định, nhưng đến gần Tết dự báo tăng 8-10%.

Để tránh tình trạng "Tết là tăng giá", UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố sớm xây dựng kế hoạch bình ổn giá các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên cơ sở cung cầu hàng hóa và nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ cho việc bán hàng bình ổn, cam kết không tăng giá nếu giá thị trường biến động tăng ít hơn 15%. Trường hợp thị trường có biến động tăng giá từ 15% trở lên, doanh nghiệp được điều chỉnh giá, nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10%.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, cận Tết là thời điểm thị trường hàng hóa có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy người tiêu dùng cần thận trọng trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, nên chọn hàng hóa có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhu cầu cao trong dịp Tết, xử lý nghiêm những hành vi gian lận để bảo vệ quyền lợi cho người dân, cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong phú hàng tiêu dùng Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.