Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa vẫn là chủ đạo

Chí Kiên| 29/06/2017 06:24

(HNM) - Sau mỗi vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, lực lượng chức năng vào cuộc truy tìm nguyên nhân, nhiều “lỗ hổng” chết người đã lộ diện. Nổi cộm nhất trong đó vẫn là ý thức, nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan chưa được thể hiện đầy đủ.


Trước tiên phải xét về mặt ý thức. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân, rộng hơn là mỗi tập thể trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày, đều phải sử dụng nguồn điện hoặc nguồn nhiệt, thậm chí cả hai cùng lúc. Vì thế, nguy cơ gây cháy nổ luôn thường trực ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào nếu bản thân người sử dụng không cẩn trọng, không thực hiện đúng các quy trình, quy định, hướng dẫn về phòng cháy. Nói vậy để thấy ý thức của mỗi cá nhân có vị trí, vai trò như thế nào trong công tác phòng, chữa cháy.

Vấn đề quan trọng nữa là nhận thức và trách nhiệm. Từ thực tế các vụ cháy xảy ra ở các khu công nghiệp, chung cư cao tầng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, chợ, thậm chí cả cháy rừng… gần đây cho thấy, không ít người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm thương mại chưa thực hiện hết trách nhiệm trong tổ chức, chưa thường xuyên kiểm tra và đầu tư thỏa đáng cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Điển hình là công tác quy hoạch còn bất cập, thậm chí nơi này, nơi kia chưa quan tâm đến các điều kiện an toàn phòng cháy như khoảng cách an toàn, đường giao thông cho xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, hệ thống cấp nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Việc phòng cháy cho các khu rừng rộng lớn, nhất là khi giao cho người dân quản lý - nhưng thiếu các yêu cầu cần thiết như đường băng an toàn phòng hỏa, hệ thống nước phục vụ chữa cháy… cũng là điều cần suy ngẫm qua bài học từ vụ cháy rừng ở Sóc Sơn vừa qua.

Nói đến phòng cháy, chữa cháy không thể không nói đến lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Thực tế thời gian qua khi lực lượng này từng bước được kiện toàn cả về con người và trang thiết bị, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… thì hiệu quả thực thi nhiệm vụ đã rõ nét hơn. Tuy vậy lực lượng này cũng không phải không có hạn chế cần khắc phục.

Vậy làm sao để ngăn cháy hiệu quả, câu trả lời là chủ động làm tốt công tác phòng ngừa.

Trước tiên các cấp, các ngành và địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ. Bởi muốn phòng ngừa tốt thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm mỗi cá nhân, tập thể. Tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, thiết thực, dễ hiểu với mục tiêu mỗi cán bộ, người dân và người lao động trở thành một tuyên truyền viên trong cơ quan, đơn vị, trong thôn xóm, tổ dân phố về phòng, chống cháy nổ.

Việc tiếp theo không kém phần quan trọng là tiếp tục nâng cao năng lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, nơi có mật độ dân cư cao, nhiều tòa nhà chọc trời, khu trung tâm thương mại lớn, khu công nghiệp… thì việc này càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Cuối cùng là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó có cả lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Người đứng đầu có trách nhiệm làm gương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; đại diện cơ quan, đơn vị phối hợp tích cực với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa công tác này vào nền nếp nơi cơ quan, đơn vị.

Cháy nổ thường gây thiệt hại rất lớn, vì thế công tác phòng ngừa nhất thiết phải luôn được coi là chủ đạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa vẫn là chủ đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.