Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng lửa hơn dập lửa

Hiền Lương| 18/02/2010 08:58

(HNM) - Bằng tinh thần tuyệt vời


Đây là chiến công đầu năm rất đáng được biểu dương, là minh chứng tuyệt vời cho lòng quả cảm, tinh thần hy sinh, tình đoàn kết và ý chí quyết thắng và chiến thắng gian lao, thử thách, vốn là sức mạnh truyền thống của quân và dân ta. Dẫu vậy, trận cháy rừng lần này đã để lại hậu quả nặng nề và những bài học đắt giá mà chúng ta không được phép sao nhãng và không để lặp lại ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào trên cả nước.

Vườn quốc gia Hoàng Liên được chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình Bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Vườn cũng được Quỹ Môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Trận cháy lần này tuy chưa lan đến Vườn quốc gia Hoàng Liên, nhưng đã thiêu rụi 1.700ha rừng, lớn hơn rất nhiều tổng diện tích rừng bị cháy trong suốt năm 2009 (1.373ha) do 271 vụ gộp lại.

Nếu các lực lượng tham gia chữa cháy không cố gắng hết sức, "giặc lửa" không được ngăn chặn, thì Vườn quốc gia Hoàng Liên đứng trước nguy cơ bị tiêu hủy, đất nước sẽ vĩnh viễn mất đi một tài sản quý báu mà dù có đổ thật nhiều tiền bạc, bao nhiêu công sức đi nữa cũng không thể khôi phục lại. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, thiên nhiên đã trao một đặc ân cho đất nước sở hữu Vườn quốc gia Hoàng Liên, một tài sản mà rất nhiều quốc gia trên thế giới có nằm mơ cũng không có được. Vì thế nhiệm vụ bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia này cần được coi trọng đặc biệt. Trận cháy rừng lần này không còn là lời cảnh báo đơn thuần mà là ví dụ phũ phàng rằng: Chúng ta hoàn toàn có thể mất đi những tài sản thiên nhiên vô cùng quý giá nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng bài bản, hiệu quả. Thảm họa đó có khi chỉ bắt đầu từ một sự bất cẩn, vô trách nhiệm của một cá nhân nào đó.

Hàng chục bằng khen đã được trao cho những người lập công trong trận chiến cứu rừng. Chừng ấy chưa đủ phản ánh hết công sức của hàng ngàn người đã bỏ Tết, rời xa tổ ấm gia đình để chiến đấu với "giặc lửa", bảo vệ tài sản quốc gia. Nhưng vượt lên tất cả, chắc chắn ai cũng mong: Rừng không cháy! Đó chính là dấu hỏi cho công tác phòng, chống cháy rừng ở Việt Nam, nơi rừng che phủ gần 40% diện tích đất nước. Một lần nữa, khi tổng kết kinh nghiệm sau trận cháy rừng lần này, người ta lại nhắc nhở một bài học "Phải tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là việc sử dụng lửa để đốt rẫy canh tác". Trong số những nguyên nhân gây cháy rừng nhiều nhất những năm gần đây, chúng ta vẫn thấy phần nhiều do người dân đốt nương, làm rẫy hay những nguyên nhân "lãng xẹt" như đốt lửa sưởi ấm, nướng khoai gây cháy. Mỗi người dân sống với rừng, ở bên rừng phải trở thành một người bảo vệ rừng và phải bảo vệ rừng như bảo vệ cuộc sống của chính mình. Với hàng trăm vụ cháy rừng một năm, xem ra những cơ quan, tổ chức, cá nhân những người có trách nhiệm giữ rừng vẫn chưa làm hết trách nhiệm, chưa áp dụng hết những biện pháp cần thiết.

Chính những người tham gia chữa cháy lần này đã thừa nhận, công tác chỉ đạo ban đầu khi xảy ra cháy còn lúng túng, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng (chưa kết hợp tốt giữa kinh nghiệm chữa cháy của dân địa phương với lực lượng chữa cháy chuyên môn), thông tin một số điểm cháy chưa chính xác và kịp thời. Đánh giá này chứng tỏ thái độ nghiêm túc và tinh thần cầu thị của tỉnh Lào Cai cũng như các lực lượng liên quan. Qua phần kiến nghị TƯ của tỉnh Lào Cai, chúng ta còn thấy được rằng, việc sắp xếp dân cư vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên chưa phù hợp, hệ thống thông tin cảnh báo thiếu thốn, hệ thống đường băng cản lửa chưa có, phương tiện chữa cháy yếu kém... Phải chăng 39 năm qua mới có trận cháy rừng lớn như vậy, nên chúng ta đã mất cảnh giác? Tất cả những hạn chế này cho thấy việc phòng bị trước "giặc lửa" chưa được làm tốt, từ chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí con người đến huấn luyện, tập huấn, phối hợp tác chiến... những điều cơ bản để có sự chủ động đối phó khi cháy rừng xảy ra. Chính vì hạn chế này, những tưởng trận cháy rừng lần này được dập tắt sớm, nhưng lại bùng phát và trở nên phức tạp vào ngày 11-2. Người xưa thường nói "Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ". Việc phòng bị luôn phải rất kỳ công, kiên nhẫn. Nó được làm cẩn thận bao nhiêu thì khi xảy ra sự việc sẽ đỡ thiệt hại bấy nhiêu.

Trận cháy lần này để lại bài học nghiêm túc và toàn diện về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng lửa hơn dập lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.