Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Phòng hỏa” tại chợ và trung tâm thương mại

Chu Dũng| 08/01/2022 06:18

(HNM) - Chợ, trung tâm thương mại ở Thủ đô Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do thường xuyên có lượng người tập trung đông, ý thức phòng, chống cháy, nổ của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, sau khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động tại chợ và trung tâm thương mại sôi động trở lại nên nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu. Do đó, chủ động “phòng hỏa” tại các khu vực này cần được các cấp, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân kinh doanh... đặc biệt quan tâm.

Lực lượng chức năng phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại một chợ dân sinh trên địa bàn. Ảnh: Minh Phương

Diễn biến phức tạp

Khoảng 17h30 ngày 30-12-2021, vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại chợ Ninh Hiệp (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) với diện tích hơn 900m2. Khu vực cháy là những khối nhà kết cấu khung thép lợp mái tôn, bên trong chứa nhiều vụn vải, quần áo, hàng tạp hóa, khiến lửa lan rất nhanh. Thiếu tá Hoàng Đức Minh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Gia Lâm) cho biết, sau gần 5 giờ nỗ lực cứu hỏa, đám cháy được dập tắt. Nguyên nhân ban đầu được xác định là khởi phát từ quán gà Mạnh Hoạch sau đó lan sang các lán tạm của nhiều hộ kinh doanh. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ, trung tâm thương mại, đặc biệt là trong dịp Tết khi lượng hàng hóa tích trữ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tăng mạnh.

Đáng lưu ý, khu vực chợ Ninh Hiệp cách đây không lâu (vào 23h ngày 18-9-2021), cũng xảy ra hỏa hoạn tại cửa hàng quần áo Yến Trang Baby ở khu biệt thự thấp tầng Ninh Hiệp. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính sơ bộ có 4 căn hộ liền kề cửa hàng trên cùng nhiều hàng hóa bị lửa thiêu rụi, thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Hay vụ cháy ki ốt tại chợ Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) vào sáng 19-11-2021; vụ cháy tại chợ Vác (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) ngày 16-8-2021 cũng khiến người dân địa phương hết sức lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hòa (chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ, nhiều chợ dân sinh bị chiếm dụng lối ra vào để bày hàng hóa nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn…

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thực tế cho thấy, cháy, nổ tại chợ dân sinh vẫn diễn biến phức tạp. Đối với trung tâm thương mại, dù chưa ghi nhận các vụ cháy nhưng việc cháy ô tô tại hầm để xe ở Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm) vào ngày 3-4-2021 cho thấy không thể chủ quan…

Chủ động các giải pháp

Lực lượng chức năng diễn tập chữa cháy tại trung tâm thương mại huyện Gia Lâm.

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, ngày 13-12-2021, Công an quận đã phát động cao điểm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Công an quận đã phát động toàn bộ các đội nghiệp vụ, công an các phường tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức phát tờ rơi, ký cam kết bảo đảm an toàn đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.

Còn Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân thông tin, đơn vị đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền về phòng, chống cháy, nổ tại chợ dân sinh, trung tâm thương mại trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền lưu động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Các trung tâm thương mại định kỳ được kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, tập huấn kỹ năng cho đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở.

Với trách nhiệm quản lý địa bàn, Bí thư Đảng ủy phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) Nguyễn Hải Bình cho biết, tại các chợ dân sinh, tiểu thương được tuyên truyền phải ngắt điện ngay khi đóng cửa hàng, cửa hiệu, đồng thời phải nắm bắt kỹ năng và trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra tại chợ dân sinh, trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, các chợ, trung tâm thương mại cần phải duy trì thường xuyên, liên tục công tác phòng cháy, chữa cháy với tinh thần trách nhiệm cao của người dân và chủ cơ sở, các lực lượng chức năng. Đáng chú ý, tài sản, vật tư, chất cháy... phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người, tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường ở chỗ dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện khi không bảo đảm an toàn. Tuyệt đối không thắp hương, đốt vàng mã, đun nấu tại chợ và trung tâm thương mại.

Cũng theo Đại tá Trần Ngọc Dương, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở phải là người nắm bắt và chịu trách nhiệm công việc bảo đảm an toàn phòng cháy tại nơi làm việc. Đối với những người phụ trách máy móc, kỹ thuật phải có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện hư hỏng để thay thế, tránh xảy ra cháy, nổ, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề, lượng hàng hóa dồn về chợ, trung tâm thương mại tăng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Phòng hỏa” tại chợ và trung tâm thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.