Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng: Yêu cầu cấp thiết

Thanh Tàu| 04/08/2017 06:55

(HNM) - Nền kinh tế nước ta đang cần nguồn vốn rất lớn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Xuất phát từ nhu cầu đó, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng phát triển

Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank Trầm Bê nghe cơ quan công an đọc lệnh bắt.


Nhận diện phương thức, thủ đoạn điển hình

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng" vừa tổ chức, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho thấy, tình hình tội phạm trong lĩnh vực này diễn biến phức tạp, có sự câu kết giữa các bộ phận, cán bộ ngân hàng... Cụ thể là trong 3 năm (2014-2016), cơ quan chức năng đã thụ lý 207 vụ án liên quan lĩnh vực ngân hàng. Trong đó có nhiều vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm quy định cho vay hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng..., gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Điển hình như giai đoạn 1 vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam số tiền lên tới 9.000 tỷ đồng; vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh 7, TP Hồ Chí Minh do Phạm Văn Cử và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 601 tỷ đồng...

Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và Tham nhũng (PC46 - Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, với những ngân hàng xảy ra vi phạm, thường có sự liên kết mật thiết, đan xen nhau giữa các bộ phận hoặc giữa các cán bộ ở những khâu quan trọng với nhau. Ở nhiều ngân hàng, lãnh đạo bố trí người không đủ trình độ, bố trí người thân vào các vị trí then chốt như tín dụng, kế toán, kinh doanh,... cùng ăn chia với nhau nên khả năng bảo vệ, che chắn, đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật rất cao.

Ông Hà dẫn chứng như trường hợp Nguyễn Tám, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã bố trí con rể là Đỗ Giao Toàn làm cán bộ tín dụng. Từ đó, tất cả các hồ sơ vay của đối tượng có quan hệ mật thiết là Trần Huỳnh Nghĩa (nguyên Giám đốc Công ty Cát Phương Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trường Phát Đạt đã bị xử phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) đều do Toàn lập và thực hiện theo chỉ đạo của Tám, qua đó tạo điều kiện cho Nghĩa chiếm đoạt của ngân hàng 120 tỷ đồng.

Còn bà Nguyễn Quỳnh Lan, Phó Trưởng phòng 3, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho hay, đa phần các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng đều là người giữ chức vụ, quyền hạn cao, có nhiều kinh nghiệm nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng chạy theo doanh thu, lợi nhuận, cạnh tranh chiếm thị trường thiếu lành mạnh, tạo ra những sơ hở trong công tác quản lý từ đó đã bị lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra đối với các ngân hàng còn lỏng lẻo.

Nhiều khó khăn trong xử lý


Có thể nói, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang xảy ra với tính chất và quy mô đặc biệt lớn với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Anh Kiệt, Phó Chánh án tòa hình sự, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh phân tích, công tác giám định thiệt hại, định giá tài sản các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Do đặc thù tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thường liên quan đến tài sản lớn, có giá trị như bất động sản hoặc xảy ra khá lâu trước khi bị phát hiện, được che đậy tinh vi nên công tác giám định thiệt hại, định giá tài sản thường bị kéo dài, việc đánh giá đôi khi không phù hợp. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, do việc định giá tài sản của các cơ quan chuyên môn kéo dài nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ án. Hoặc vụ án Phạm Văn Minh phạm tội “Tham ô tài sản” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản gửi cơ quan Giám định Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ thực hiện giám định thiệt hại nhưng hơn 1 năm vẫn chưa có kết quả giám định. Nguyên nhân do vụ án này xảy ra trong thời gian dài từ năm 2009 đến năm 2015 mới bị phát hiện, liên quan đến nhiều cá nhân, một số chứng từ kế toán không đầy đủ... dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Bà Nguyễn Quỳnh Lan đánh giá: “Ngoài thiệt hại về tài sản, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn tác động xấu đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội làm mất lòng tin của nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với hệ thống ngân hàng”. Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát trong việc cung cấp, trao đổi, xử lý thông tin tình hình vi phạm và tội phạm liên quan đến hoạt động của ngân hàng.

Ngày 1-8 vừa qua, vụ bắt giữ Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là sẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng: Yêu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.