Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống tham nhũng từ thể chế và con người

Hà Phong| 14/07/2012 06:20

(HNM) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tổ chức Đối thoại phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 11, dự kiến vào cuối tháng 10 năm nay. Chủ đề lần này là "Công tác PCTN ở địa phương, thực trạng và giải pháp" nhằm tiếp nhận các sáng kiến xóa bỏ tình trạng "chạy chức, chạy quyền", nhiều tỉnh, TP không phát hiện được tham nhũng.

Chạy theo thành tích

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận, số vụ án tham nhũng được lực lượng chức năng các tỉnh, TP điều tra, truy tố, xét xử những năm qua có xu hướng giảm dần, tham nhũng đã thâm nhập sâu vào bộ máy hành chính, có sự bao che của các cấp. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị, đã phát hiện tới 1.704 tổ chức vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Hầu hết các địa phương đều không tự phát hiện được tham nhũng. Số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc. Không ít vụ nghiêm trọng, phức tạp thường bị điều tra kéo dài, giảm dần số đối tượng bị truy tố và lượng tài sản thiệt hại do tội phạm gây ra. Đặc biệt, có trường hợp còn thay đổi tội danh theo hướng ít nghiêm trọng hơn hoặc chuyển biện pháp ngăn chặn nhẹ nhàng hơn...

Cải cách thể chế là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: Bá Hoạt

Những hạn chế, yếu kém trong phát hiện, xử lý tham nhũng đã gây tâm lý hoài nghi đối với các cơ quan tư pháp về tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN. Dư luận đang đặt câu hỏi: phải chăng các địa phương yếu kém trong quản lý, chạy theo thành tích nên "chẳng ai lấy búa đập chân mình", số vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít? Vì lý do này, chủ đề PCTN năm nay được cho là có tính thời sự cao nhằm tìm các sáng kiến xóa bỏ tình trạng "chạy chức, chạy quyền", nhiều địa phương không phát hiện được tham nhũng.

Quan trọng nhất là cải cách thể chế

Theo luật sư Nguyễn Thành Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội, trong cuộc Đối thoại PCTN lần thứ 11 sắp tới, TTCP cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là địa phương và người dân, các chuyên gia pháp luật để có thêm nhiều kênh thông tin quan trọng. Hiện cơ quan hành pháp là nơi tập trung quyền lực điều hành, quản lý địa phương, lại có quyền ban hành các chính sách, chế độ, mà quyền lực lại dễ tạo ra tham nhũng.

Với cơ chế hiện nay, mặc dù tòa án hành chính đã được thành lập và thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính ngày càng được mở rộng, nhưng tòa vẫn chưa thực sự thoát được sự phụ thuộc nhất định vào chính quyền địa phương. Không ít vụ việc xét xử kiểu "đầu voi đuôi chuột" vì tư tưởng vị nể, vì tình "đồng chí" giữa các cán bộ trong bộ máy công quyền. Điều này xuất phát từ mô hình tổ chức hệ thống tòa án của nước ta còn nhiều hạn chế. Tòa hành chính phụ thuộc vào chính quyền địa phương về quan hệ hành chính và sự hỗ trợ cơ sở vật chất. Một số cấp ủy địa phương nhận thức chưa đúng vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xét xử đối với tòa án có tổ chức Đảng trực thuộc mình. Do đó, việc thẩm phán cấp huyện xét xử một quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND huyện hay thẩm phán cấp tỉnh xét xử tương tự đối với một chủ tịch UBND tỉnh thì dễ có khả năng thiếu khách quan. Luật sư Nguyễn Thành Vinh kiến nghị, để PCTN có hiệu quả, không cách gì khác là cần cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ thừa hành, đổi mới mô hình tòa án theo hướng độc lập hơn. Trong đó, PCTN và đổi mới mô hình tòa án là 2 vấn đề liên quan vô cùng chặt chẽ với nhau, có tác động qua lại; muốn PCTN tốt thì phải trao thực quyền cho cơ quan xét xử và ngược lại.

Theo kinh nghiệm của Đà Nẵng, TP này quy định rõ: CBCC trễ hẹn xử lý hồ sơ cho dân thì phải xin lỗi dân bằng văn bản, trễ hai lần trở lên sẽ bị xem xét xử lý hoặc thay đổi vị trí công tác. Đây là một mũi tên trúng hai mục đích: đẩy lùi tiêu cực và hạn chế tham nhũng. Vì nếu quá trình giải quyết thủ tục liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như tiếp cận vốn, đất đai, cấp phép xây dựng kéo dài, không minh bạch sẽ tạo "khoảng trống" để các tổ chức và công dân có nhu cầu bị lỗi hẹn, cực chẳng đã phải chi những khoản "lót tay". Sau hơn một tháng thực hiện Quyết định 4503 nói trên, mức độ hài lòng của người dân Đà Nẵng khi đến các cơ quan công quyền tăng lên rõ rệt. Trên thực tế ai cũng có lòng tự trọng, lo ảnh hưởng trách nhiệm, nên từ cán bộ tiếp nhận hồ sơ đến phó chủ tịch UBND phụ trách phê duyệt, thẩm định rất ngại nói lời xin lỗi với dân bởi một lần xin lỗi khác gì tự nhận mình yếu kém về năng lực và sa sút về phẩm chất, lại có nguy cơ bị kỷ luật.

Rõ ràng, việc ban hành "cây gậy" 4503 chứng tỏ lãnh đạo Đà Nẵng không lơ là trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Sẽ rất ý nghĩa nếu mô hình công chức xin lỗi dân được Ban tổ chức chương trình Đối thoại PCTN lần thứ 11 xem xét, đề xuất nhân rộng cả nước. Bởi dù hiện đại đến mấy, bộ máy hành chính nhà nước vẫn phải vận hành bằng chính những con người cụ thể. Công chức "hư", thiếu chế tài giám sát thì người dân khổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tham nhũng từ thể chế và con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.