Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng

Nguyên Hoa - Quốc Bình| 03/05/2012 06:53

Ngày 2-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3, TP Hồ Chí Minh. Theo ý kiến của các cử tri, mặc dù quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí là rất lớn, nhưng thực tế diễn ra vẫn nhức nhối, phức tạp, chưa thật sự hiệu quả.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời các ý kiến của cử tri quận 1 (Ảnh: VL)


Ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, Chủ tịch nước khẳng định: Trung ương đang lấy ý kiến về tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống tham nhũng, tổ chức chỉ đạo công tác này sao cho hiệu quả. Hiện còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, như giữ nguyên bộ máy hiện tại; thay đổi bộ máy theo hướng thuộc Quốc hội, hoặc thuộc Trung ương Đảng; hay tham khảo các nước trên thế giới làm tốt về chống tham nhũng để lập một ủy ban độc lập hoàn toàn. Nhưng dù theo mô hình tổ chức nào thì bộ máy mới phải bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực, cụ thể và rõ rệt hơn so với trước; đồng thời công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng.

Trước những ý kiến cử tri về Quốc hội vẫn chưa "tự làm luật" mà phần lớn luật do Chính phủ xây dựng sau đó trình Quốc hội; tình trạng luật sau khi ban hành gặp nhiều khó khăn khi đưa vào cuộc sống, Chủ tịch nước khẳng định, để Quốc hội hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, thực hiện tốt vai trò giám sát tối cao của mình, rất cần cử tri hiến kế, góp ý nhiều hơn nữa để chức năng giám sát tối cao của Quốc hội được thực thi ngày càng hiệu quả.

*Sáng 2-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tới thăm hỏi, động viên tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động (NLĐ) đang thi công tại công trường Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế, các nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực tìm các biện pháp phù hợp để nhanh chóng giải quyết khó khăn, thúc đẩy tiến độ phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước, trong đó có Khu kinh tế Vũng Áng với tầm quan trọng đặc biệt của một trọng điểm công nghiệp Bắc Trung bộ. Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nhà đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, chính quyền địa phương tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp, chủ động có giải pháp khắc phục khó khăn trong khả năng, đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu sớm đưa toàn bộ công trình đi vào hoạt động, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

*Chiều 2-5, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cùng dự. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết, bình quân mỗi năm, Hà Nội xảy ra 237 vụ cháy, nổ, thiệt hại khoảng 45,5 tỷ đồng, ngoài ra còn có hàng trăm vụ cháy nhỏ đã được các lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng phát hiện, dập tắt kịp thời. Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đánh giá cao những thành tích mà lực lượng PCCC Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của lực lượng PCCC Hà Nội để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới. Trong thời gian tới, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ, lực lượng PCCC của TP Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về PCCC cho nhân dân. Hà Nội cũng cần xã hội hóa công tác PCCC, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác này...

*Ngày 2-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông và các huyện Đan Phượng, Thanh Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn. Cử tri các quận, huyện đã gửi tới QH hàng chục ý kiến đề nghị QH và các ĐBQH tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật tại địa phương. Hiện nay, nhiều nội dung pháp luật quy định không được thực thi trên thực tế như việc thành lập ban quản trị quản lý nhà chung cư sau 12 tháng đưa vào sử dụng, nhiều tờ khai liên quan đến thuế đất phi nông nghiệp không sát thực như phần đất lưu không; các quy định về khiếu nại, tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết của chính quyền cấp cơ sở… Cử tri cho rằng, việc giám sát độc lập của các ĐBQH, các đoàn ĐBQH chưa được thể hiện rõ. Cử tri cũng có nhiều ý kiến về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và vấn đề thu phí giao thông. Trong đó, cử tri ủng hộ việc sớm đưa vào áp dụng việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu nhằm tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công tác cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị làm rõ việc thu phí đối với các loại xe máy công trình, xe tải hạng nặng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.