Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống dịch Covid-19 tại châu Phi: Nỗ lực vượt qua đỉnh dịch

Thùy Dương| 28/09/2020 07:20

(HNM) - Tổ chức Y tế thế giới vừa ra thông báo cho biết, châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Trong khi nhiều quốc gia có tiềm lực về kinh tế phải hứng chịu những tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh, các nước châu Phi được đánh giá là thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 với sự nỗ lực, đoàn kết của 54 quốc gia thuộc châu lục.

Châu Phi đã thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liên tục cảnh báo rằng Lục địa đen rất dễ bị "tổn thương" nếu dịch Covid-19 bùng phát tại đây. Nguyên nhân bởi châu lục này có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, tỷ lệ nghèo đói cao, nhiều khu vực giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày. Thậm chí, hồi đầu tháng 5 vừa qua, WHO nhận định số ca tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 ở nhiều nước châu Phi thấp hơn rất nhiều so với lo ngại ban đầu. Tính đến ngày 25-9, châu Phi ghi nhận 1.439.657 ca mắc Covid-19, trong đó có 34.706 trường hợp tử vong, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia và châu lục khác trên thế giới, đặc biệt so với Mỹ.

Theo WHO, phần lớn các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại châu Phi như: Nam Phi, Algeria, Ethiopia, Nigeria… có số ca mắc mới giảm mạnh trong 2 tháng qua. Tại nhiều quốc gia châu Phi, biểu đồ lây nhiễm gần như "không có đỉnh nhọn" và "các góc lên xuống đột ngột" như nhiều nơi khác trên thế giới. 

Dự kiến, các xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại châu Phi sẽ tăng trong thời gian tới nên số ca nhiễm Covid-19 có thể cao hơn hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng không gây quá nhiều lo ngại.   

Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia y tế chỉ ra rằng mật độ dân số thấp, khí hậu nóng ẩm cùng cơ cấu dân số trẻ là những nguyên nhân giúp châu lục 1,3 tỷ dân này vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Theo thống kê, 91% số ca mắc Covid-19 tại châu Phi trong độ tuổi dưới 60, trong khi khoảng 80% số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không biểu hiện triệu chứng.

Quan trọng hơn, theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, sau khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên, phần lớn lãnh đạo các quốc gia trong châu lục đã ngay lập tức tiến hành phong tỏa đất nước, chấp nhận đóng cửa nền kinh tế. Đây là những quyết sách kịp thời, giúp giảm đà lây lan của vi rút một cách hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.

Đơn cử như Nam Phi, quốc gia được đánh giá là đầu tàu trong việc triển khai những biện pháp chống dịch quyết liệt, đã ngay lập tức ban hành tình trạng khẩn cấp và sau đó là áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 3-2020, khi số ca nhiễm tại nước này mới chỉ khoảng 100 người. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng 6 nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế nhưng phần lớn các nước châu Phi vẫn chưa mở cửa hoàn toàn biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 từ bên ngoài. Đây được xem là sự thận trọng cần thiết khi nhiều quốc gia đã tái bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở cửa trở lại.

Khi đại dịch bắt đầu, chỉ có hai quốc gia ở châu Phi có thể kiểm soát về mặt y tế khi xử lý các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho ngành Y tế của 54 quốc gia về xử lý y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, ngành Y tế của 54 quốc gia ở châu lục này đã có thể kiểm soát dịch bệnh. 

Dù nhận định Lục địa đen đã vượt qua đỉnh của dịch Covid-19, song WHO vẫn cảnh báo sự nới lỏng, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh sẽ là cơ hội để bùng phát làn sóng dịch thứ hai tại châu lục này. Trong bối cảnh các quốc gia châu Phi đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế thì việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch càng trở nên cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch Covid-19 tại châu Phi: Nỗ lực vượt qua đỉnh dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.