(HNM) - Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hằng năm đều ghi nhận từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm.
Vệ sinh tay chân để phòng nguy cơ mắc bệnh cúm và nhiều bệnh hô hấp khác. |
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, khi thời tiết giao mùa như hiện nay, tại các bệnh viện rất nhiều trẻ em, người cao tuổi mắc các bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm đến khám. Dấu hiệu sớm của người bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên là ho, đau họng, hắt hơi, sổ mũi… có thể kèm theo sốt, nhức đầu.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp rất nhiều, nhưng nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho trẻ là nhiễm virus. Bởi virus khu trú sẵn trong cơ thể nhưng ở thể không hoạt động. Khi thời tiết thay đổi, ở trẻ nhỏ, người có cơ địa nhạy cảm, virus chuyển từ thể không hoạt động thành hoạt động và gây bệnh.
Đa phần các trường hợp trẻ viêm đường hô hấp trên không nặng, nhưng nếu chủ quan có thể bị biến chứng xuống đường hô hấp dưới, bệnh nặng lên, dẫn đến viêm thanh, khí quản, phế quản, nặng sẽ bị viêm phổi.
Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, phải chú ý phòng bệnh. Để phòng bệnh cúm người bị bệnh cần đeo khẩu trang, bởi cúm có tính dịch, lây qua đường hô hấp. Và bất cứ người nào muốn phòng cúm cần bảo đảm cơ thể đủ ấm, ăn, uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thể thao hằng ngày...
Ngoài các cách trên, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết, cách hiệu quả để phòng nhiễm cúm và một số bệnh hô hấp khác là tiêm vắc xin. Một số vắc xin phòng bệnh hô hấp có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, dùng thuốc đúng theo chỉ định cũng là một cách phòng bệnh.
Mũi, họng là cửa ngõ của đường hô hấp. Vì vậy, cần chú ý bảo vệ cũng như vệ sinh mũi họng đúng cách, nhất là với trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị viêm mũi, họng thì mới cần rửa, còn bình thường thì không nên tác động và lạm dụng. Đã có nhiều trẻ súc họng, rửa mũi dẫn đến biến chứng. Nếu bị viêm cũng không nên rửa kéo dài, chỉ cần rửa trong 10 ngày là nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.