(HNMO) - Sáng 28-11, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X)...
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho biết, 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ cho thấy, việc ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân giữa Ban Tuyên giáo và UBND cùng cấp là rất cần thiết. Cơ chế phối hợp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện các nội dung công tác ở cả Ban Tuyên giáo và UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành cùng cấp. Đặc biệt là đã có sự xác định rõ hơn về vai trò quan trọng của công tác tư tưởng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong nắm bắt tình hình dư luận xã hội, công tác phối hợp đã giúp phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc, diễn biến phức tạp trên địa bàn, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và giữ ổn định tình hình ở địa phương. Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của chương trình phối hợp, nên có lúc chưa chủ động hoặc chậm cung cấp thông tin, gây thêm bức xúc trong xã hội...
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ, hệ thống báo chí nói chung, Báo Hànộimới nói riêng, có 2 nhiệm vụ chính: Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thông qua hàng chục đơn thư gửi tới Báo Hànộimới mỗi ngày có thể nhận thấy nổi lên những bức xúc của nhân dân tại các lĩnh vực: Giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, quản lý trật tự xây dựng và công tác cán bộ. Các cơ quan báo chí có nhiều thuận lợi về mặt thông tin, nhất là khi tiếp xúc với các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, công tác giao ban báo chí do TP Hà Nội thực hiện có thể coi là “đặc sản” của Hà Nội. Sự cởi mở thông tin, trao đổi thẳng thắn tại các cuộc giao ban báo chí đã giúp hoạt động tuyên truyền tốt hơn, tạo sự đồng thuận cao.
Đánh giá cao kết quả thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ tại TP Hà Nội, thay mặt đoàn khảo sát, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, những kết quả Hà Nội đã đạt được cho thấy sự phối hợp toàn diện trên mọi lĩnh vực trong việc thực hiện quyết định. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, những sơ suất trong chỉ đạo, ứng xử của đội ngũ cán bộ lãnh đạo rất dễ lan rộng trên mạng xã hội; nếu không xử lý kịp thời có thể phát sinh thành “điểm nóng”. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ngành cần chủ động nắm bắt tình hình, dự báo và thông tin kịp thời đến nhân dân khi phát sinh các vụ việc. Cùng với việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TƯ, các đơn vị cần chủ động lồng ghép những quy định mới để tăng cường hiệu quả của quyết định này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.