Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phối hợp, chuẩn bị tốt cho kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố

Việt Tuấn| 13/03/2018 07:07

(HNM) - Chất lượng kỳ họp HĐND phụ thuộc nhiều vào quá trình chuẩn bị xây dựng các nghị quyết...


HĐND huyện Thanh Trì kiểm tra, giám sát bộ phận “một cửa” UBND huyện. Ảnh: Bá Hoạt


Kịp thời cung cấp thông tin

Mỗi kỳ họp, HĐND TP Hà Nội thường ban hành từ 10 đến 15 nghị quyết (gồm nghị quyết thường kỳ và nghị quyết chuyên đề). Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, trước khi diễn ra kỳ họp 3 tháng, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu các ban của HĐND phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tiến hành giám sát, khảo sát, nắm thông tin từ thực tiễn các nội dung liên quan.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các ban trong công tác lập kế hoạch khảo sát, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc giám sát, khảo sát theo yêu cầu. Đặc biệt, nhiều sở còn báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát, khảo sát do các ban yêu cầu đối với nội dung còn chưa thống nhất. Ngoài ra, hầu hết các sở đều cử cán bộ tham gia đầy đủ, đúng thành phần các cuộc khảo sát, giám sát, đồng thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc sở tạo điều kiện về nhân lực, thời gian, tài liệu...

Riêng về lĩnh vực đô thị, thời gian qua, các sở gồm: Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với Ban Đô thị chuẩn bị tốt các báo cáo, tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết. Trong đó, nổi bật là tham mưu ban hành các nghị quyết chuyên đề có tác động lớn đến đời sống xã hội, như: Nghị quyết liên quan đến điều chỉnh danh mục biệt thự; Kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Đồ án quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cũng phối hợp với các sở: Văn hóa-Thể thao, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Thông tin và Truyền thông thực hiện 10 cuộc giám sát, khảo sát. Đáng quan tâm, giám sát về quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố... đã chỉ rõ kết quả, hạn chế, đề xuất các giải pháp. UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành rà soát, thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới trường học; nghiên cứu việc bố trí vốn để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo các di tích.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã phối hợp tốt với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế Hà Nội góp ý xây dựng 16 báo cáo tờ trình, dự thảo nghị quyết đạt chất lượng cao. “Mỗi cơ quan đều chủ động cung cấp thông tin kịp thời, tạo mối quan hệ chặt chẽ trong công tác tham mưu với Thường trực HĐND, UBND thành phố. Đây là kinh nghiệm quý được các ban duy trì với các sở, ngành từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay” - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết.

Phối hợp chặt chẽ hơn


Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới. Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, một số sở chưa cung cấp thông tin thường xuyên, nhất là chậm gửi báo cáo 6 tháng và báo cáo năm đến HĐND thành phố. “Vì thế, mỗi cơ quan cần thúc đẩy thực hiện tốt quy chế phối hợp, chủ động hơn nữa trong cung cấp, trao đổi thông tin để các ban cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình, kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát và kết luận chất vấn, giải trình theo lĩnh vực” - ông Trần Thế Cương đề nghị.

Theo kế hoạch năm 2018, các ban HĐND thành phố sẽ thực hiện 26 đợt khảo sát, giám sát thuộc 4 lĩnh vực trọng tâm về: Công tác quản lý đô thị, quy hoạch; hoạt động lĩnh vực tư pháp; quản lý nhà nước về kinh tế, ngân sách; quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, các ban HĐND thành phố tiếp tục ký kết quy chế phối hợp với các sở, ngành. Trong đó, nội dung được các cơ quan đặc biệt chú trọng là việc mỗi đơn vị đều cử cán bộ phụ trách cung cấp, trao đổi tài liệu. Đối với các sở, quy định rõ việc cử cán bộ phụ trách tham dự các cuộc giám sát, khảo sát, giải trình những nội dung khi đại biểu HĐND thành phố yêu cầu, nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc, những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, cơ sở.

“Việc các sở, ngành của thành phố chủ động cung cấp thông tin, giải trình làm rõ vấn đề có liên quan để tăng tính công khai, minh bạch, hiệu quả hoạt động theo quy định của pháp luật là giải pháp quan trọng. Đây là kênh thông tin số một, cùng với việc nắm bắt thông tin qua các kênh khác, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát, khảo sát của các ban HĐND TP Hà Nội” - bà Phạm Thị Thanh Mai khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp, chuẩn bị tốt cho kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.