Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó thủ tướng cùng nhiều "tư lệnh" ngành báo cáo, trả lời chất vấn tại Quốc hội

HNMO| 16/11/2015 08:13

(HNMO) - Từ ngày 16/11 đến hết buổi sáng ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn đối với Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.


Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho biết, do đây là kỳ chất vấn cuối cùng của QH khoá XIII nên các đại biểu (ĐB) sẽ nghe các báo cáo giám sát của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao về hoạt động giám sát từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Toàn văn Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên chất vấn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo.

Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổng hợp trên 17 lĩnh vực, bao gồm kế hoạch đầu tư; tài chính; ngân hàng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên môi trường; giao thông vận tải; xây dựng; y tế; giáo dục đào tạo; thông tin và truyền thông; văn hoá, thể thao và du lịch; tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của QH và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành. Một số việc có tính chất thường xuyên lâu dài đang được triển khai tích cực. Cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH trong thời gian tới, nhất là các nội dung còn hạn chế, yếu kém".

8h55: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.


9h15: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn


Các nội dung của các Nghị quyết của QH và Uỷ ban Thường vụ QH về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao về công tác của các toà án, tập trung vào các vấn đề: kiện toàn bộ máy tổ chức, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán, công chức toà án các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, tăng cường tranh tụng tại các phiên toà, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng; rà soát các trường hợp đã xét xử có mức án trên 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình nhưng có đơn kêu oan; khắc phục tình trạng án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng, bảo đảm áp dụng án treo đúng pháp luật...

10h11: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

10h27:Quốc hội chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Nêu chất vấn đầu tiên, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu từ thực tế thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn, giám sát, có những vấn đề cử tri cả nước chưa yên tâm. Trước hết là tham nhũng còn là vấn đề nhức hối trong cuộc sống. Vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH khoá XIII, cuộc đấu tranh này dường như chưa được đẩy lên quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp, giàu lên rất nhanh chóng. Việc xử lý hiện tượng tham nhũng còn chưa được mạnh mẽ.

Về bảo vệ chủ quyền biển đảo, QH, Chính phủ đều đã báo cáo trước cử tri, trả lời chất vấn trước QH. Tuy nhiên, cho đến nay việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển đảo vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn. Đời sống nhân dân hiện nay còn khó khăn; tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý giá cả chưa thống nhất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người lao động, nhân dân; sản phẩm độc hại bằng nhiều cách đặt lên bàn ăn của nhân dân chưa được giải quyết trọn vẹn...

Đó cũng là những câu hỏi mà ĐB Nguyễn Anh Sơn muốn gửi tới Chính phủ và các bộ trưởng trong phiên chất vấn lần này.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu câu hỏi, muốn Phó Thủ tướng đánh giá về năng suất lao động hiện nay, và giải pháp nào để nâng cao năng suất lao động?

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ trưởng Bộ Công thương (CT) giải trình về việc chậm cụ thể hoá các chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, ứng dụng KHCN cao vào sản xuất. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Bộ trưởng Bộ CT xác định rõ trách nhiệm trước việc số liệu nhảy múa về diện tích trồng rừng thay thế dự án thuỷ điện.

Trước thực trạng thừa thầy thiếu thợ hầu như bỏ ngỏ về lộ trình, thời gian khắc phục hiện nay, ĐB Trương Văn Vở cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) xác định rõ trách nhiệm; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) xác định rõ trách nhiệm khi có trên 400.000 lao động đã qua đào tạo thất nghiệp.

ĐB Vở cũng đề nghị QH quan tâm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của QH trong thời gian tới, có thể bổ sung vào quy định hậu giám sát thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và các hoạt động chất vấn vào giữa nhiệm kỳ.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa -Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về quy định tại Điều 5, Khoản 5, mục B Thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BTVT) chỉ được đăng ký một hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BTVT.

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) với gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục cho rằng , gần đây dư luận xã hội "xáo trộn đến tận tâm can" về thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu chính kiến về tính đúng đắn, ưu việt của quy định này. "Bộ trưởng có dự định gì và dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?" - ĐB nêu.

Là vị trưởng ngành đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng tất cả yêu cầu của QH, chất vấn của các đại biểu đã được Bộ nghiêm túc tổ chức thực hiện. Kết quả có việt đạt tốt, có việc đạt chậm so với yêu cầu.

Về vấn đề ĐB Tô Văn Tám nêu về chậm thực hiện trồng rừng thay thế ở các dự án thuỷ điện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ở giai đoạn trước tiến hành duyệt dự án thuỷ điện trước. Tuy nhiên, sau đó, nhất là khi QH nhắc nhở mới rà soát lại, siết chặt trồng rừng thay thế nên có sự vênh nhau trong xét duyệt dự án thuỷ điện và trồng rừng.

"Chúng tôi đang khắc phục và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo đúng Luật và rất nghiêm túc. Doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị rút giấy phép hoạt động. 2 năm nay, tình hình chuyển biến tích cực hơn rất nhiều. Hết năm nay, việc trồng rừng thay thế rừng đã lấy làm thuỷ điện có thể đạt được kế hoạch của năm 2015" - Bộ trưởng khẳng định.

Giải thích với ĐB Trương Văn Vở về sự chênh lệch con số giữa hai bộ, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói là do thời điểm thống kê, đồng thời cho biết: "Chúng tôi đã gửi đến QH danh sách từng dự án, từng tỉnh đã được rà đi soát lại rất kỹ. Bộ sẽ cùng với Bộ Công thương rà soát lại để báo cáo con số thống nhất giữa hai bộ".

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết về Thông tư 21 quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu: "Trước khi Thông tư ban hành, Bộ cho lưu hành 4100 tên thuốc BTVT với 1700 hoạt chất. Chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá, khiến bà con nông dân, nhà quản lý gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và cây trồng của mình. Để chấn chỉnh, Bộ chủ trương siết chặt lại, quy định đăng ký những tên thuốc.

Trong Thông tư này quy định mỗi tổ chức cá nhân, DN chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất. Trước khi ban hành, Bộ đã thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi và thể hiện trong biên bản các cuộc họp. Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến và xem xét kỹ ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần siết chặt quản lý , bảo đảm lợi ích cho hàng triệu bà con nông dân vì đây cũng là vấn đề liên quan rất lớn đến vệ sinh an toàn thực phẩm".

Trả lời chất vấn của ĐB Tô Văn Tám, Bộ trưởng Bộ CT Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong lĩnh vực trồng rừng, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng Bộ CT thực hiện. Năm 2015, đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò tích cực của địa phương, sự cố gắng của chủ đầu tư các dự án, công trình thuỷ điện.

Về nguyên nhân khiến việc cụ thể hoá một số chính sách ứng dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: theo quy định Luật Công nghệ cao, Chính phủ giao Bộ KH-CN là đầu mối triển khai cá hoạt động ứng dụng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.

Về tiêu chí xác định thế nào là DN công nghệ cao, hiện xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ CT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KH-CN rà soát lại, trình Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt tiêu chí với DN công nghệ cao để DN không vất vả, mất nhiều thời gian để được xem xét, hưởng các ưu đãi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó thủ tướng cùng nhiều "tư lệnh" ngành báo cáo, trả lời chất vấn tại Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.