Đi từ đường Trần Nhật Duật, nơi bắt đầu của cây cầu Long Biên lịch sử, đến phố Hàng Lược - Hàng Mã phải đi qua một con phố dài 360m, có tên gọi là phố Hàng Khoai. Phố Hàng Khoai có chợ Đồng Xuân - trung tâm buôn bán lớn nổi tiếng của Hà Nội từ xưa đến nay. Phố Hàng Khoai ở gần ngã ba Hàng Rươi - Hàng Chai, cắt ngang phố chợ Đồng Xuân Nguyễn Thiện Thuật và cắt ngang ngã tư Hàng Giấy - Đồng Xuân, thuộc quận Hoàn Kiếm.
Phố Hàng Khoai
Ảnh: Phương Thảo
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa thuộc thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương. Ở số nhà 54 vẫn còn ngôi chùa cổ có tên là Huyền Thiên, nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Thực ra đây là Đạo quán, nơi tu hành của Đạo sĩ. Tại đây còn có tấm bia dựng vào năm 1668. Trần Nguyên Đán (1326 - 1390), ông ngoại của Nguyễn Trãi, đã từng đến đây và có bài thơ đề vịnh di tích này.
Ở đây xưa kia là nơi tập trung bán các loại củ (khoai) của nông dân mấy tổng lân cận, nơi đất bãi sông Hồng. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là Rue de Tubercules (Phố Các Củ). Tên phố Hàng Khoai được gọi chính thức từ sau năm 1945. Ngày nay, một phần phía nam là phần đất chợ Đồng Xuân. Các mặt hàng ở phố này đều là loại nông thổ sản như khoai lang, khoai tây, hành, tỏi, gừng, nghệ… được chuyển vào phía sau phố là khu chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Tối tối, hàng đoàn xe thồ, ôtô chở rau, củ, quả từ các vùng chuyên canh lân cận đến họp chợ rau đêm trên phố. Từ tờ mờ sáng, chủ các quầy rau, quả ở các chợ trong thành phố lại đến đây mua buôn để về bán cho bà con tiêu dùng. Khoảng 7 - 8 giờ sáng cũng là lúc chợ rau đêm tan, đường phố lại được dọn dẹp sạch sẽ vàbước vào kinh doanh các mặt hàng khác. Gần đây, phố này kinh doanh thêm mặt hàng sành sứ Việt Nam, Trung Quốc, pha lê Tiệp Khắc, Pháp, Việt - Tiệp…
Theo "Từ điển đường phố Hà Nội"(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.