(HNM) - Cùng với phim truyện, phim tài liệu Việt Nam đang gặt hái nhiều thành công tại các sân chơi điện ảnh quốc tế lớn. Những thước phim chân thực về cuộc sống hãnh diện ra rạp lấp đầy các “khung giờ vàng”, đem lại doanh thu đáng kể. Các nhà làm phim tài liệu đang cho thấy thành quả của sự dấn thân, nỗ lực để tạo sức hút ở thể loại phim này, tạo đà đưa phim tài liệu Việt Nam rộng bước trên chặng đường mới.
Ghi dấu ấn
Sau 3 tuần khởi chiếu tại các rạp, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm vẫn tiếp tục trụ ở nhiều hệ thống rạp với những suất chiếu “giờ vàng”. Hiếm có bộ phim tài liệu nào mà trên nhiều diễn đàn điện ảnh, các thành viên lập nhóm rủ nhau đi xem, thậm chí xem nhiều lần như vậy. Bộ phim khiến khán giả háo hức bởi lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Oscar năm 2023 - Giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh do Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức, ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.
Trước đó, phim đã thắng nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim thế giới. Tiêu biểu như giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan), phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya (Indonesia), Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim giáo dục (Pháp)…
“Những đứa trẻ trong sương” được đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện trong giai đoạn 2017-2022, lấy bối cảnh miền núi Tây Bắc, kể về hành trình trưởng thành của Di, cô bé người Mông ở Sa Pa (Lào Cai). Phim phản ánh sự xung đột giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong tục kéo vợ. Tác phẩm này đã được ra rạp tại Mỹ, Pháp, Australia, Hà Lan, Singapore...
Tại Việt Nam, theo số liệu từ đơn vị thống kê phòng vé độc lập Box Office Vietnam, “Những đứa trẻ trong sương” đã đạt doanh thu 1,8 tỷ đồng - con số không hề nhỏ với bộ phim tài liệu dài đầu tay của một nhà làm phim độc lập.
Trong tuần này, từ ngày 8-4, phim tài liệu “Người giữ thời gian” của ca sĩ Mỹ Tâm, về hành trình cảm xúc của cô khi thực hiện liveshow “Tri âm” bùng nổ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngay từ suất chiếu sớm hôm 6-4, phim đã gây sốt các phòng vé. Hiện nay, các suất chiếu “Người giữ thời gian” đều được lấp đầy “khung giờ vàng” tại hầu hết hệ thống rạp lớn nhỏ trên cả nước, hứa hẹn một bộ phim bùng nổ doanh thu.
Đây là hai bộ phim tài liệu gần nhất đánh dấu bước tiến đáng kể của thể loại này trong điện ảnh nước nhà. Đáng mừng là một bộ phim về đời sống, một bộ phim về nhân vật - hai mảng đề tài khác nhau nhưng đều được khán giả đón nhận. Trước đó, một số phim ở cả hai mảng đề tài này cũng đã tạo ấn tượng tốt với khán giả. Điển hình là các phim “Đoạn trường vinh hoa”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đi tìm Phong”…
Hay các phim về nhân vật nổi tiếng như “Sky tour the movie”, “Park Hang-seo - Người truyền lửa”, “Màu cỏ úa”, “Chuyện ngày hôm qua”… Một số phim chiếu trên truyền hình hoặc tại các liên hoan phim cũng gây ấn tượng, như “Ranh giới”, “Cuộc chiến không giới hạn”, “Hai bàn tay”, “Những Bức Tường”, “Chuyện ở thành phố thức”, “Cuộc di cư của bầy cừu”…
Sẽ chuyển mình mạnh mẽ
Bước ra từ phòng chiếu phim “Những đứa trẻ trong sương” còn vẹn nguyên cảm xúc, chị Nguyễn Việt Hà (phường Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ phim tài liệu khô khan, đơn điệu, nhưng khi xem bộ phim này thấy hấp dẫn bởi những nhân vật, câu chuyện có thật được thể hiện qua góc nhìn thú vị”.
Để có được một bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” dài 92 phút chạm đến trái tim của người xem, đạo diễn 9X Hà Lệ Diễm dành hơn 3 năm theo sát hành trình của cô bé Di từ khi Di mới 12 tuổi đến khi trưởng thành, cùng ăn, cùng ở với người bản địa dù không rành tiếng. Cùng với đó, đạo diễn cũng phải miệt mài xin hỗ trợ kinh phí từ các quỹ điện ảnh quốc tế cho công tác dịch tiếng dân tộc, dựng phim, hậu kỳ... Sự kiên trì và tâm huyết - đó là kinh nghiệm mà đạo diễn Hà Lệ Diễm gửi đến những người làm phim tài liệu trẻ hiện nay.
Đạo diễn Đặng Linh với những phim “Chuyện ngày hôm qua”, “Cuộc di cư của bầy cừu”, “Hai bàn tay”, “Tuổi thác ghềnh”… chia sẻ, mỗi bộ phim chị phải ấp ủ và thực hiện trong vài năm. Theo nữ đạo diễn này, người làm phim tài liệu phải luôn trau dồi nâng cao tay nghề, tìm hiểu kỹ về đề tài mình thực hiện và luôn sẵn sàng đối diện với các tình huống mới và xoay chuyển bộ phim theo thực tế.
So với đề tài khác, phim tài liệu về nhân vật nổi tiếng có vẻ dễ tạo sức hút và thành công hơn do có một lượng khán giả là người hâm mộ nhân vật sẵn sàng đón nhận. Song ở đề tài nào cũng cần làm phim nghiêm túc mới thành công. Với “Người giữ thời gian”, ca sĩ Mỹ Tâm đã đầu tư sản xuất chỉn chu với chất lượng hình ảnh và âm thanh tiêu chuẩn để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
Với sự ủng hộ của khán giả, nhiệt huyết của những người làm nghề, phim tài liệu Việt Nam đang rộng bước phát triển. Tuy nhiên, để tạo được sự chuyển mình mạnh mẽ cho thể loại này, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, cho rằng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim. Trong đó, việc hỗ trợ kinh phí sản xuất, phát hành trên hệ thống rạp, quảng bá, giới thiệu phim, đặc biệt với những nhà làm phim tài liệu độc lập... là những yếu tố quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.