(HNM) - Đón dịp nghỉ hè muộn do năm học kéo dài, các hệ thống rạp đã chuẩn bị nhiều phim hoạt hình hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, thêm một mùa nữa, phim hoạt hình Việt Nam vắng bóng ở các phòng chiếu. Trên truyền hình, đa phần các em nhỏ cũng lựa chọn xem phim hoạt hình nước ngoài. Dù vẫn sản xuất đều đặn, nhưng nếu không tìm cách nâng tầm để bứt phá, phim hoạt hình Việt Nam khó đáp ứng được nhu cầu của khán giả nước nhà.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Đón bắt nhu cầu của khán giả nhí vào dịp hè, các đơn vị phát hành và hệ thống rạp đã nỗ lực cho ra mắt những bộ phim hấp dẫn, như: “Quỷ lùn tinh nghịch: Chuyến lưu diễn thế giới”, “Sam Sam: Anh hùng nhí tập sự”, “Nhím, sóc và viên đá thần kỳ”… Thế nhưng, trong số này, không có phim hoạt hình nào của Việt Nam.
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Nguyễn Thanh Bình (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) thường cho các con xem phim hoạt hình để giải trí. “Tôi rất muốn các con xem phim hoạt hình Việt Nam, nhưng hầu như không thấy ở rạp, trên truyền hình cũng chưa có kênh riêng mà chỉ có một vài phim ngắn”, chị Bình cho biết. Cháu Trần Hải Lan (10 tuổi) - con gái chị Bình chia sẻ: “Cháu chỉ thích xem phim hoạt hình nước ngoài, vì phim rất vui nhộn, hình ảnh đẹp, âm nhạc hay, nhiều phim 3D rất tuyệt”.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, mỗi năm đơn vị sản xuất 15-20 phim theo đặt hàng của Nhà nước và nhiều phim dịch vụ khác. Phim có cả hình thức 2D và 3D, chủ đề phong phú, từ cổ tích, lịch sử, danh nhân đến môi trường, xã hội…, như: “Tắc kè phá án”, “Con chim gỗ”, “Bầu trời cho con”... Tuy nhiên, hầu hết các phim chỉ kéo dài khoảng 10 phút, có phim phát triển lên 20-30 phút, nhưng không thể đứng độc lập, mà phải ghép thành chùm để chiếu rạp. Hãng cũng đã chú trọng sản xuất phim dài tập, như “Hiệp sĩ Nghé Vàng”, “Ngôi sao xanh kỳ lạ”... và lập một trang trên mạng xã hội YouTube để chiếu miễn phí phim của hãng. Thế nhưng, để sản xuất phim chiếu rạp với thời lượng 80-90 phút hoặc chuỗi hàng trăm tập phim để chiếu thành kênh riêng vẫn là mơ ước với giới làm phim hoạt hình Việt Nam.
Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc cho biết, phim hoạt hình Việt Nam sản xuất đều đặn, giành một số giải thưởng uy tín của điện ảnh Việt, song chưa có sức lan tỏa. Ngoài lý do thời lượng ngắn, phim thường xoay quanh các con vật khá đơn thuần và mô phạm; kỹ thuật, công nghệ chưa tiên tiến nên khó hấp dẫn khán giả hiện đại.
Gần đây, một số đơn vị sản xuất phim hoạt hình tư nhân ra đời, tạo dấu ấn nhất định, như Hãng Phim hoạt hình Vintata với loạt phim 40 tập “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”; DeeDee Animation Studio với phim “Tàn thể: Tiền truyện”; Colory Animation Studio với phim “Dưới bóng cây”... Song, các đơn vị này cũng chỉ sản xuất phim ngắn, chiếu miễn phí trên mạng, chưa đáp ứng được nhu cầu xem phim hằng ngày hoặc thưởng thức tại rạp của khán giả nước nhà.
Thời cơ nâng tầm phim hoạt hình Việt
Giống với thị trường thế giới, ở Việt Nam, các phim hoạt hình như “Nữ hoàng băng giá”, “Kung Fu Panda”, “Vua sư tử”… luôn có mặt trong danh sách đạt doanh thu cao. Các kênh truyền hình Disney Movies, Cartoon Network, BiBi… chiếu nhiều phim hoạt hình nước ngoài cũng là địa chỉ “ruột” của các em nhỏ. Vì vậy, sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp hoặc chuỗi phim hoạt hình thương hiệu Việt là mục tiêu của những người theo đuổi thể loại này ở Việt Nam.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, một bộ phim thành công đòi hỏi 3 yếu tố: Có nguồn vốn đầu tư, có kỹ thuật tiên tiến và then chốt là nhân lực sáng tạo. Về nhân lực, giới sản xuất phim hoạt hình chuyên nghiệp trên thế giới đánh giá cao khả năng sáng tạo, kỹ năng của đội ngũ họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh của Việt Nam. Thực tế, nhiều phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, như “Mickey’s Twice Upon a Christmas”, “Igor”… đều có tên người Việt Nam trong thành phần sáng tạo. Hơn nữa, Việt Nam có nền tảng và đang đẩy mạnh phát triển công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đang quan tâm đầu tư làm phim hoạt hình. Đó là thời cơ để phim hoạt hình Việt Nam bứt phá.
Cùng quan điểm, đạo diễn Đặng Hải Quang, người sáng lập và điều hành DeeDee Animation Studio cho biết, để tiến những bước vững chắc, trước tiên cần phải xây dựng những bộ phim ngắn, chất lượng cao, hội tụ những yếu tố như: Có duyên, vui tươi, bay bổng, nhân văn...; nhằm thay đổi cái nhìn của khán giả với phim hoạt hình Việt Nam, rồi dẫn dắt họ đến với những phim dài. Điều này không chỉ DeeDee Animation Studio thực hiện, Hãng Phim hoạt hình Vintata đã xây dựng chiến lược sản xuất loạt phim ngắn xoay quanh chú khỉ Monta phát hành trên mạng, trước khi ra mắt công chúng phim dài chiếu rạp.
Về phía Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn thông tin, gần đây, hãng đã tích cực sản xuất những bộ phim dài tập để xây dựng nhân vật điển hình; đồng thời, chuẩn bị sẵn kịch bản phim dài chiếu rạp song song với việc tìm nguồn đầu tư, liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, hãng cũng chú trọng quảng bá lan tỏa thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam.
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc, về lâu dài, phim hoạt hình Việt Nam cần được đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp từ kỹ thuật, công nghệ, và quan trọng nhất là nhân lực với khả năng sáng tạo cùng kỹ năng thể hiện. Có như vậy mới sản xuất được nhiều phim chiếu rạp và loạt phim dài tập, nâng tầm phim hoạt hình Việt Nam, lấy lại thị phần trên "sân nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.