(HNMO) - Sáng 18-1, Phiên họp nữ nghị sĩ Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) diễn ra từ ngày 18 đến 21-1.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm chủ tọa.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các mục tiêu phát triển bền vững 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.
APPF được thành lập năm 1993, nhưng phải đến năm 2016, các nữ nghị sĩ APPF mới lần đầu tiên nhóm họp tại Canada trong khuôn khổ Hội nghị APPF-24 theo sáng kiến của Nghị viện Indonesia và lần thứ 2 là tại Fiji năm 2017 trong khuôn khổ APPF-25. Trải qua 2 kỳ họp, những mối quan tâm của phụ nữ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có một diễn đàn riêng để thảo luận. Việc tổ chức Phiên họp nữ nghị sĩ tại APPF đã góp phần tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của các nữ nghị sĩ, cũng như tạo nên mạng lưới kết nối nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên.
Lần này, Quốc hội Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề Phiên họp nữ nghị sĩ là "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung" với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Phiên họp nữ nghị sĩ - một cơ chế chưa chính thức - trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi quy chế hoạt động của APPF. Việc thảo luận này càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của APPF-26 đó là "Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững", đồng thời phát huy kết quả của diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC 2017 với chủ đề "Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi" vừa được tổ chức thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, Phiên họp nữ nghị sĩ sẽ đóng góp tích cực vào các nghị quyết, Tuyên bố chung của diễn đàn, đảm bảo các văn kiện được thông qua đều được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh được sự quan tâm và tiếng nói của các nữ nghị sĩ. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hi vọng những vấn đề được bàn thảo tại phiên họp sẽ tiếp tục được các nghị viện thành viên đề cập và lan tỏa tại các diễn đàn liên nghị viện khác như Liên minh nghị viện thế giới (IPU)...
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của APPF. Cũng như Việt Nam, các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực, song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, song khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức. Ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật. Khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là một vấn nạn, thậm chí cả những nước đã có tiến bộ đáng ghi nhận trong những lĩnh vực khác. Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động, giúp phụ nữ thuận lợi hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình; sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ...
Tuy nhiên, khá nhiều dự báo cho thấy, lao động nữ làm những công việc giản đơn, trong những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế của công nghệ. Như vậy, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả và phù hợp vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế, trong đó các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng.
Tại phiên họp, với sự chủ tọa của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu của nhiều quốc gia đã phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, những thành tựu đạt được, những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển và giải pháp để giải quyết những khó khăn đó trong khuôn khổ các nghị viện quốc gia và trong diễn đàn đa phương liên nghị viện như APPF. Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp để khuyến khích nữ nghị sĩ tham gia sâu hơn vào các quá trình ra quyết định cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới trong mỗi quốc gia, khu vực vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.