Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Phía sau cuộc chiến" - thêm một lời cảnh tỉnh từ sự kiện Mỹ Lai

Hoàng Lân| 29/04/2010 17:08

(HNMO) - Vào những ngày cả nước  kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Công ty Nhã Nam và NXB Thông tấn cho ra mắt cuốn sách "Phía sau cuộc chiến" của Deborah Nelson, nhà báo Mỹ từng đoạt giải  Pulitzer và được mệnh danh là "ký giả của những sự thật được chôn giấu".




Cuốn sách gây nhiều kinh ngạc cho độc giả về sự thật chiến tranh qua mắt nhìn của một ký giả Mỹ

Deborah Nelson sinh năm 1953 tại Grayslake thuộc bang Illinois, Mỹ. Bà tốt nghiệp đại học Northern Illinois - chuyên ngành báo chí và có bằng tiến sĩ luật của trường Đại học DePaul.

Người ta gọi Deborah Nelson là "ký giả của những sự thật được chôn giấu" là bởi trong hơn 30 năm làm báo, bà làm việc cho các tờ danh tiếng như Los Angeles Times, Washington Post, Seattle Times và Chicago Sun-Time và là người thực hiện nhiều phóng sự điều tra sắc sảo gây tiếng vang trong dư luận.

Năm 2006, Deborah Nelson cùng nhà nghiên cứu quân sự Nicholas Turse thực hiện series phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ và cho đăng chúng trên tờ Los Angeles Times. Để có được những bài báo gây kinh ngạc đối với công chúng Mỹ, Deborah Nelson và Nicholas Turse đã dày công thu thập tư liệu về tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau như tài liệu giải mật về chiến tranh Việt Nam, những cuộc phỏng vấn cựu binh Mỹ, những cuộc gặp gỡ dân thường Việt Nam vô tội may mắn thoát nạn trong những cuộc thảm sát của quân đội Mỹ...

Năn 2008, những bài báo của Deborah Nelson và Nicholas Turse trên Los Angeles Times đã được tập hợp lại trong cuốn sách có tên "Phía sau cuộc chiến" và chỉ hai năm sau, ngay tháng tư này, nó đã có mặt tại Việt Nam qua bản dịch của Đoàn Văn Thắng.

"Phía sau cuộc chiến" cỡ hơn ba trăm trang, thực sự bao gồm những điều gây kinh ngạc cho độc giả, một sự ám ảnh thường xuyên đối với ai cầm cuốn sách trên tay. Với khát vọng đi đến tận cùng sự thật vốn được cả bộ máy quyền lực đồ sộ che giấu, các nhà điều tra đã lần theo từng cái tên tưởng chừng mờ nhạt, xem xét từng "sợi chỉ mỏng manh", kiên nhẫn đứng trước những ngôi nhà đóng sập cửa và kìm nén trước những cựu binh một mực phủ nhận tội ác của mình. Hành trình điều tra còn đưa họ tới mảnh đất miền Trung Việt Nam, nơi hàng loạt cuộc thảm sát tương tự như Mỹ Lai đã không được các cấp chỉ huy của quân đội Mỹ ngăn chặn...

Sự phân tích sắc sảo của Deborah Nelson phanh phui tận gốc rễ nguyên nhân những cuộc thảm sát dân thường của binh sĩ Mỹ, phơi mở trước công chúng Mỹ cái nhìn chân thực về chiến tranh Việt Nam, về tội ác không thể chối bỏ của quân đội Mỹ.

Đã có nhiều người viết về vụ thảm sát Mỹ Lai và đã có rất nhiều người đọc nó. Và ngay cả khi đã đọc, đã nghe, đã xem những tấm ảnh không thể nào quên, đã biết tường tận về Mỹ Lai thì bạn đọc cũng không thể không bị ám ảnh, thêm một lần nữa, từ những gì mà Deborah Nelson và đồng sự công bố tại "Phía sau cuộc chiến":

“Biện pháp giết người số một của Sư đoàn 9 là quy định bắn nếu họ chạy, không chỉ tù nhân hay người tình nghi, những người có vũ khí, mà là bất cứ ai... Biện pháp giết người thứ hai là bắn tỉa. Một lính thuộc Lữ đoàn 2 đã được trao huân chương Chữ thập Công trạng vì đã sát hại hơn một trăm người Việt bằng cách bắn tỉa...Biện pháp giết người thứ ba là bẫy mìn treo...”

Cuốn sách của Deborah Nelson là một cuốn đáng đọc, không phải chỉ vì thế giới này cần nhớ những chương bi thảm đã diễn ra, mà còn là vì nhân loại cần phải nhìn nhận nghiêm túc về những hành động sai lầm và hậu quả của nó, để ngăn chặn thảm cảnh có thể xảy ra trong tương lai. "Phía sau cuộc chiến" một lần nữa “bào chữa” cho những cựu lính Mỹ đã dũng cảm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng như những nhà hoạt động chính trị phản chiến của thời đại - những người kêu gọi sự cảm thông của cộng đồng với những sai lầm trong quá khứ.

Công sức của Nelson đã được đền đáp xứng đáng khi tác phẩm thành công đến vậy: không chỉ là những tài liệu khô cứng thu thập được mà còn là những cuộc phỏng vấn với những người trực tiếp tham gia cuộc chiến và những người sống sót sau vụ thảm sát. Nelson cung cấp những bằng chứng xác đáng chứng minh rằng cuộc chiến ở Việt Nam là phi nhân đạo và phi nghĩa” (History News Network).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Phía sau cuộc chiến" - thêm một lời cảnh tỉnh từ sự kiện Mỹ Lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.