(HNM) - "Cháy" vé tàu Tết, chuyện ấy đã quen đến mức nhiều năm qua ai cũng thấy nó… bình thường. Nhưng, dường như cái thời hàng nghìn người thức trắng đêm chờ mua vé tàu Tết đang sắp qua đi. Rồi cũng sẽ không còn cái cảnh chầu chực "canh mạng" để đặt chỗ. Rồi nhiều người sẽ chẳng còn phải ngay ngáy lo cách nào để có được tấm vé tàu Tết…
Tết Giáp Ngọ này, đã có hơn chục nghìn chiếc vé từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội không có người mua. Nói cách khác là "ế". Trước đó, chương trình bán vé theo kiểu "phục vụ tận nơi" cũng không được những "khách hàng truyền thống" của ngành đường sắt là sinh viên các trường đại học giành giật như xưa.
Tiếc là, hệ quả ấy không phải xuất phát từ chuyện "cung vượt cầu". Đằng sau chuyện lạ ấy có quá nhiều điều đáng nói.
Nhiều năm trước, để mua được tấm vé tàu Tết thì hành khách phải trầy trật, vật lộn. Ngành đường sắt cũng phải thực hiện nhiều hình thức như bán vé tại các ga, tại đại lý, bán qua tin nhắn, qua điện thoại, internet, bán vé cho tập thể… Nhưng năm nào cũng vậy, vẫn quá tải, vẫn rối tung rối mù. Vẫn nhiều người thất vọng vì không thể mua được vé.
Vậy vì sao bây giờ khách hàng lại quay lưng?
Hẳn ai đó từng một lần bước chân lên những chuyến tàu đi dọc đất nước cũng sẽ có những "cảm giác lạ". Lạ từ khi đi mua vé cho đến khi rời tàu xuống sân ga. Không chỉ Tết mà cả ngày thường hành khách cũng phải cắn răng trước nhiều phiền toái, từ chuyện "cò" vé chèo giật, từ chuyện thái độ chưa "vừa lòng khách đi" của nhân viên nhà tàu, đến chuyện phải chịu đựng những cảnh tượng xô bồ của chốn đông người, chịu đựng cái mùi tàu khách "đặc trưng" chẳng thể thích nghi được trong suốt hành trình dài. Thậm chí, xuống sân ga cũng chưa chắc "thoát nợ" khi còn phải đối mặt với tình trạng o ép, chặt chém của "cửu vạn", taxi…
Đó chính là sự tụt hậu của nhà tàu. Vận tải đường sắt vốn là phương thức có nhiều lợi thế nhất trong các loại hình vận tải. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, thì ngành đường sắt vẫn chậm rãi lăn trên những bánh sắt nặng nề. Giá cước đắt, chất lượng dịch vụ không được cải thiện, thời gian lưu chuyển không được rút ngắn. Trong lúc, tàu bay, xe khách đang cạnh tranh từng tí, bằng cả giá vé và chất lượng thì đường sắt vẫn cứ giữ nguyên cung cách phục vụ một chiều theo kiểu bao cấp của mình.
Hồi đầu tháng, tại hội nghị tổng kết hoạt động của Tổng Công ty Đường sắt, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã phải thốt lên "vé đi tàu quá đắt", và ông lấy ví dụ vé giường nằm từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh là 1,9 triệu đồng, còn vé máy bay giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Đi máy bay chỉ mất khoảng 3-4 giờ, nhưng ngồi tàu mất đến 30 giờ. Cuối cùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận: Vé tàu đắt thì người dân sẽ rời xa đường sắt.
Nhận xét của người đứng đầu ngành giao thông đã rất rõ ràng. Và từ câu chuyện này cho thấy, nhu cầu về một hệ thống đường sắt cao tốc, chất lượng cao, ít nhất cũng là tuyến Bắc - Nam là rất cần thiết. Nếu chúng ta cứ chần chừ, cấn cá chỉ vì định suất đầu tư chắc chắn ngành đường sắt sẽ còn tiếp tục tụt hậu, thiệt thòi sẽ không chỉ là hành khách mà còn cả những lợi ích kinh tế - xã hội khác của đất nước.
Nhưng trước hết, ngành đường sắt đang rất cần một sự thay đổi trong cung cách phục vụ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.