(HNM) - Không chỉ truyền hình quốc gia mà cả nền báo hình thế giới nói chung cũng đang chịu sức ép lớn của việc sụt giảm công chúng do sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, internet. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng còn do năng lực nội tại của lĩnh vực báo chí này và cả
Một vài con số "biết nói" của ngành truyền hình có thể xem như một "phép thử", một ví dụ có ý nghĩa phản ánh tình trạng chung của các loại hình báo chí khác. Theo đó, thời gian ngồi trước màn hình xem ti vi theo cách truyền thống của giới trẻ Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/4 so với thời gian họ lướt mạng xem tin tức. Thực tế, đang có không ít gia đình trẻ hiện đại đã dịch chuyển chiếc ti vi - vốn chiếm giữ phòng khách như một thứ biểu tượng, lùi vào... phòng ngủ; thậm chí xóa bỏ hoàn toàn thứ màn hình phẳng đa năng này trong gia đình.
Không chỉ ở Việt Nam, các bản tin buổi tối của ba đài truyền hình truyền thống của Mỹ từng một thời thống trị nguồn tin tức ở quốc gia này - nay đã mất hơn nửa số khán giả kể từ năm 1980. Thậm chí, các trang báo điện tử và truyền hình cáp tuy thu hút người xem nhưng vẫn không tạo đủ số việc làm, còn tổng số lượng báo giấy thì đã giảm hơn 25% kể từ năm 1990…
Toàn bộ "hệ sinh thái" báo chí của quốc gia và thế giới đều phải gánh chịu những chấn động của sụt giảm khán giả và khủng hoảng lối đi mang tính toàn cầu này.
Vậy điểm cốt lõi, mấu chốt lý giải cho cơn khủng hoảng của truyền hình nói riêng và báo chí nói chung là gì? Có phải chính là ở chỗ tính chất thông tin, yêu cầu về chất lượng thông tin của báo chí đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ?
Nói như GS Mitchell Stephens - chuyên nghiên cứu về báo chí tại Viện Arthur L.Carter (Đại học New York, Mỹ) thì đó chính là sự xuất hiện của công thức làm báo 5I (Am hiểu, Thông minh, có tính Diễn giải, Sâu sắc và Soi sáng) - hay còn gọi là báo chí trí tuệ đang thay thế dần và chuyển đổi trên nền công thức truyền thống 5W (Ai, Cái gì, Ở đâu, Tại sao, Khi nào). Lý do là trong thời đại của internet và mạng xã hội, ai cũng có thể tường thuật thông tin, lan truyền thông tin công thức 5W với tốc độ chóng mặt. Đã đi sau mà cách thức thông tin không mới thì các loại hình báo chí không trở nên nhàm chán với khán giả, bạn đọc mới là lạ.
Ở nước ta, trước con số đông đảo khoảng 40 triệu người sử dụng mạng xã hội lại càng thấy truyền hình nói riêng và báo chí nói chung không thể cứ gắng sức bước đi với cách thức cũ. Càng không thể chỉ tìm đến các hội thảo để than vãn, ngậm ngùi mà phải đổi mới bằng những hành động cụ thể.
Truyền hình nói riêng, báo chí nói chung không thể và cũng không nên bỏ qua lợi thế công nghệ truyền thông, mà một công cụ đang có lợi thế mạnh mẽ là mạng xã hội trên đường đổi mới. Tận dụng nguồn tin từ mạng xã hội nhưng không để chúng cuốn ta đi. Đặc biệt, công nghệ có thể nối dài cánh tay báo chí nhưng không thể thay thế chất lượng thông tin. Không chạy đua tin tức với mạng xã hội nhưng phải đứng trên thông tin mạng xã hội, kiểm chứng cung cấp phần giá trị sâu sắc, trí tuệ, cuốn hút phía sau sự kiện. Như trong cuốn “Hơn cả tin tức - tương lai của báo chí” (GS Mitchell Stephens) đã viết là “Diễn giải phải là một phần sứ mệnh của tờ báo, sứ mệnh xuất hiện ở trang nhất”.
Cuối cùng, sự đổi mới đối với các loại hình báo chí sẽ bền vững hơn khi tất cả đều phải nằm trong sự thấu hiểu, coi trọng các giá trị chuẩn mực về sự thật và đặc biệt là trách nhiệm công dân, đạo đức của người làm báo trước sự phát triển của cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.