(HNMO) - Dịch Covid-19 như "phép thử" cho thấy những mối liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản vẫn có thể đứng vững trước khó khăn, đứt gãy của thị trường.
Thu hoạch tới đâu, thu mua hết tới đó
Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, tình hình sản xuất - tiêu thụ rau hữu cơ tại nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn thuận lợi. Theo chị Nguyễn Thị Lương ở thôn Trung (xã Thanh Xuân) - hộ chuyên sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi thì rau thu hoạch tới đâu, Hợp tác xã thu mua hết tới đó, giá ổn định.
Lý giải vấn đề trên, bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân cho biết: "Do nhu cầu tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng tăng, chúng tôi cố gắng tăng 30% sản lượng. Hiện, mỗi ngày nông dân địa phương cung ứng khoảng 10 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại vào thị trường nội đô. Thời điểm này, nông dân và lãnh đạo Hợp tác xã bận rộn, vất vả hơn trước. Chúng tôi có sẵn lái xe, phương tiện vận chuyển, các giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa, hợp đồng ký kết theo tháng và quý nên mọi khâu từ sản xuất, sơ chế đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ... đều hoạt động nhịp nhàng, không bị khó khăn hay đứt gãy"...
Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cũng đang đẩy mạnh công suất để cung ứng theo đơn đặt hàng. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, mỗi ngày, cơ sở cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại theo chuỗi. Do đơn vị có đầy đủ thủ tục nên khi đăng ký "luồng xanh" với các đơn vị liên quan khá thuận lợi. Các nhóm rau được ký kết tiêu thụ gồm cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... 100% sản phẩm của cơ sở sản xuất theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích...
Huy động các đơn vị cùng vào cuộc
Bên cạnh việc cung ứng rau, củ, quả theo chuỗi hoạt động hiệu quả từ trước và khẳng định được tính ưu việt trong mùa dịch thì nhiều địa phương cũng đang có cách làm sáng tạo, tất cả cùng vào cuộc để tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Trần Hữu Khoa cho hay, để giúp người trồng nhãn tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, xã Đại Thành đã tổ chức họp bàn phương án tiêu thụ, tổ chức test Covid-19 cho các tiểu thương; đồng thời, thông báo tới các hộ trồng nhãn về đầu mối kết nối tiêu thụ trên địa bàn xã. Cùng với đó, xã gửi đề xuất cấp phép cho một số xe "luồng xanh" vào địa bàn thu mua, vận chuyển sản phẩm. Tổng khối lượng nhãn tiêu thụ được tính tới thời điểm này khoảng 40 tấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, không chỉ với sản phẩm quả, các loại rau màu khác cũng được huyện xây dựng 2 phương án tiêu thụ. Trước hết, đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ, thông qua vận động các xã và các tổ chức đoàn thể của huyện chung tay tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND huyện Quốc Oai có văn bản đề nghị các sở: Công Thương, NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp chế biến, tổ chức, cá nhân tiêu thụ nông sản, trái cây, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân địa phương. Tính tới thời điểm này, Sở Công Thương đã kết nối cho huyện 10 điểm bán hàng lưu động trong nội thành. Để vận chuyển rau, củ, quả tới các điểm bán hàng lưu động, huyện thuê 15 xe tải, đề xuất Sở NN&PTNT và Sở Giao thông - Vận tải cấp "luồng xanh". Ngoài ra, huyện cũng tính đến phương án đẩy mạnh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử...
Tương tự, tại Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Hiến, tổng sản lượng nông sản trên địa bàn đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng hơn 460 tấn, trong đó chủ yếu là nhãn (khoảng 270 tấn); các loại rau, củ (khoảng 190 tấn)... Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian này, UBND huyện đã thiết lập nhanh các liên kết tiêu thụ. Theo đó, UBND các xã, thị trấn thành lập tổ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn, cử cán bộ làm đầu mối kết nối giữ liên lạc với Phòng Kinh tế huyện và các đơn vị liên quan; tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển thu mua nông sản trên địa bàn.
Đối với nông sản có khả năng tiêu thụ trên địa bàn xã, thị trấn được UBND các xã, thị trấn tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho các tiểu thương mua/bán nông sản phục vụ nhu cầu người dân; cho phép phương tiện vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm dịch khi có giấy đi đường đúng quy định... Kết quả qua các kênh liên kết hỗ trợ tiêu thụ, hàng trăm tấn nông sản của Chương Mỹ được tiêu thụ thuận lợi trong thời gian ngắn nhất.
Cũng với cách liên kết này, các huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên... mỗi ngày tiêu thụ được hàng chục tấn rau, củ, quả đến kỳ thu hoạch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận xét: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giao thương khó khăn như "phép thử" tinh thần trách nhiệm, khả năng ứng phó của các địa phương và đơn vị hoạt động trong chuỗi liên kết thực hiện "nhiệm vụ kép". Và thực tế đang cho thấy, rất nhiều địa phương vừa bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch - vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.