Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt kết quả đàm phán và nội dung Hiệp định Vay, Hiệp định Dự án và các văn bản liên quan khác cho Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu ký Hiệp định Vay của Dự án trên với đại diện ADB.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các thủ tục cho việc ký kết Hiệp định Vay.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoàn tất các thủ tục cần thiết, ký Hiệp định vay phụ làm cơ sở để triển khai các hoạt dự án trong các cấu phần liên quan.
Trước đó, Danh mục dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại văn bản số 792/TTg-QHQT với tổng kinh phí 78 triệu USD, trong đó vay ADB 70 triệu USD.
Được biết, một trong những mục tiêu của Dự án này là nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn lao động kỹ năng nghề cao trong một số lĩnh vực chủ yếu của ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và vùng kinh tế trọng điểm để hỗ trợ có hiệu quả việc phát triển dạy nghề ở Việt Nam.
Dự án HTKT có nhiệm vụ chính là đánh giá, phân tích về hiện trạng dạy nghề thể hiện trong kết quả dạy nghề, chất lượng đào tạo; sự phù hợp về kỹ năng nghề đối với thị trường lao động, về cơ cấu tổ chức hiện tại đáp ứng việc xây dựng kế hoạch, quản lý hệ thống dạy nghề; sự tham gia của khu vực dạy nghề tư nhân; xác định các vấn đề then chốt cần giải quyết.
Trong khoảng 10 năm qua, hoạt động dạy nghề đã được phục hồi và có bước phát triển mới (số trường tăng 2,6 lần, quy mô tuyển sinh tăng gấp 3 lần). Đến năm 2008, cả nước đã có 90 trường cao đẳng nghề, 250 trường trung cấp nghề, quy mô tuyển sinh đạt trên 1.500.000 người.
Tuy nhiên, hệ thống dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, nhất là đòi hỏi về trình độ kỹ năng nghề ngày càng cao của thị trường lao động và các ngành công nghiệp, dịch vụ. Năm 2007, chỉ có khoảng 23,41% lao động đã qua đào tạo nghề ở các trình độ.
Điều tra hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy có đến 40% số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, đã nhận thức rằng việc thiếu hụt lao động có tay nghề là một cản trở lớn trong việc mở rộng doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Bởi vậy, việc đào tạo nguồn lao động kỹ năng tay nghề cao đang là một vấn đề cấp thiết trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.