(HNMO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020.
(HNMO)- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020.
Theo đó, mục tiêu của giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến năm 2015) là: 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, sử dụng; 40% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% được tái chế, sử dụng; 80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 70% được tái chế, sử dụng; 85% tổng lượng chất thải rắn y tế không nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 85% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp và y tế nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020) với mục tiêu: 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 85% được tái chế, sử dụng; 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, sử dụng; 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 75% được tái chế, sử dụng; 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Quyết định nêu rõ, các dự án đầu tư xây dựng khu liên hiệp, cơ sở xử lý chất thải rắn tại các địa phương trên cả nước do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước thực hiện. Về công nghệ phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; bên cạnh đó, nếu các công nghệ được nghiên cứu phát triển trong nước phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, chấp nhận.
Các dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về: đất đai (miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng); thuế; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, năng lượng, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc) đến hàng rào công trình; hỗ trợ nghiên cứ và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn; hỗ trợ đào tạo lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước được áp dụng theo quy định hiện hành.
Đối với trường hợp đặc biệt, Bộ Xây dựng nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.