Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phê bình văn học, nghệ thuật: Cần sự hợp lực và chuyên nghiệp

Mai Hoa thực hiện| 07/01/2018 08:02

(HNM) - Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang phải đối mặt với không ít khó khăn..

PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương. Ảnh: Thu Minh


- Ông có thể chia sẻ đôi điều về tình hình đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay?

- Tư vấn cho Đảng, Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ chính, hết sức quan trọng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương (Hội đồng). Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài lực lượng thành viên, Hội đồng phải huy động tối đa sự cộng tác, tham gia của các Hội Văn học nghệ thuật, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học. Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ trung ương tới địa phương có vẻ đông đảo, nhưng thực tế đang thiếu trầm trọng người tâm huyết, có nghề, có bản lĩnh và kinh nghiệm để đảm đương tốt nhiệm vụ.

- Làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao. Nhưng, dường như chúng ta đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thưa ông?

- Phải làm gì để có được các tác phẩm xứng tầm dân tộc và thời đại là câu hỏi trở đi trở lại ở nhiều diễn đàn về văn học, nghệ thuật. Hiện nay, hoạt động sáng tác trên mọi lĩnh vực văn học, nghệ thuật khá sôi nổi, tạo thành nhiều khuynh hướng, nhưng đời sống lý luận, phê bình lại hết sức trầm lắng. Hình như giữa lý luận, phê bình với công tác nghiên cứu và hoạt động sáng tác có khoảng cách rất lớn, đôi khi có cảm giác không hề gắn với nhau.

- Trước thực trạng này, theo ông, chúng ta có hướng đi nào để khắc phục?

- Có nhiều cách lý giải cho chuyện này, nhưng chủ yếu là chúng ta thiếu đội ngũ và cơ chế hoạt động. Tuy rằng một số phóng viên theo dõi mảng văn học, nghệ thuật hoạt động tích cực nhưng hầu như chỉ dừng ở điểm sách, giới thiệu, chưa có được các tác phẩm phê bình đúng nghĩa.

Thực tế cho thấy cần rất nhiều điều kiện để đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát triển. Hội đồng chủ yếu giữ vai trò tư vấn, để giải quyết gốc rễ vấn đề thì mấu chốt là tạo ra đội ngũ làm nghề có tư chất, phẩm chất chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cao về "vốn liếng" lý luận, phê bình, độ dày tri thức, phông văn hóa... Hơn nữa, có thể thấy rằng, việc thể chế hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn có sự hạn chế nhất định. Nhiều chế độ chính sách, văn bản cần được soạn thảo và ban hành, tạo bước chuyển đáng kể để phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần vào việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật, con người Việt Nam.

- Phấn đấu vì một nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi sự chung tay của những con người tài năng, trí tuệ, giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Hội đồng sẽ làm gì để huy động được nguồn lực này quan tâm, góp ý cho công tác quản lý văn học, nghệ thuật nói chung?

- Chúng ta chưa có người ăn lương để chuyên làm công tác lý luận, phê bình. Hầu hết đều hoạt động "tay ngang" nên thiếu tính chuyên nghiệp. Trước tình hình đó, việc đầu tiên phải làm là nhận diện các cây bút lý luận, phê bình có tư chất, có năng lực, trình độ, tiếng nói sắc sảo, quan điểm đúng mực, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, đủ để định hướng, tạo niềm tin cho công chúng. Khi đã phát hiện được những hạt nhân đó, phải có kế hoạch bồi dưỡng họ một cách thích đáng mới hy vọng từng bước hình thành đội ngũ...

Hiện nay, chế độ nhuận bút cho các bài viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vô cùng thấp, không tương xứng với công sức, tâm huyết và tri thức đầu tư cho tác phẩm, không tạo được yếu tố kích thích đối với người làm lý luận, phê bình.

- Tập trung xây dựng và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ năm 1986 đến nay) là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2016-2021. Vấn đề này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Năm qua, chúng tôi đã tranh thủ ý kiến rộng rãi để xây dựng chương trình này. Đây là hoạt động rất cần thiết nhằm tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới, rút ra bài học giá trị không chỉ về lý luận mà còn về nhận thức, quản lý.

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để tạo diễn đàn khoa học tin cậy của giới nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật?

- Theo tôi, rất cần có sự hợp lực để nói tiếng nói chung về lý luận, phê bình, nhưng hiện chúng ta mới có duy nhất Tạp chí Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng với sự quan tâm chia đều cho 11 lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nên rất khó chuyên sâu. Việc lập một website chuyên về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không khó, nhưng phải cân nhắc bởi nó còn liên quan đến nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý khác.

- Ông từng đề xuất một chương trình dịch thuật quốc gia nhằm chọn lọc, giới thiệu một cách có hệ thống các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, mở mang kiến thức và tư duy lý luận văn học, nghệ thuật... Công việc này được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Năm 2017, chủ trương này mới chỉ triển khai ở bước thăm dò. Năm 2018, mọi việc sẽ được từng bước tiến hành. Hiện nay, chúng ta có 59 nhà xuất bản và hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, rất cần sự tham gia của họ để phát huy giá trị tủ sách tinh hoa một cách có hệ thống, tránh dịch cái chưa cần, cái cần lại chưa dịch!

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phê bình văn học, nghệ thuật: Cần sự hợp lực và chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.