Văn hóa

Dấu ấn nửa nhiệm kỳ lĩnh vực văn hóa: Tiếp nối mạch nguồn “soi đường cho quốc dân đi”

Nguyễn Thanh 01/09/2023 00:01

Nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang không ngừng tạo nên những đột phá chiến lược trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, tiếp nối sứ mệnh lịch sử “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”

hoi-nghi.jpeg
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước, trong đó xác định nhiệm vụ chấn hưng văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, bám sát 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tạo nên sức bật mới, quyết tâm chính trị cao, lan tỏa từ Trung ương tới địa phương.

Một trong những dấu ấn nổi bật, mang tính bao trùm trên mọi hoạt động của ngành chính là việc chú trọng đổi mới cách tiếp cận từ tư duy “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”, lấy công cụ pháp luật để kiến tạo phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, phát hiện những “điểm nghẽn”, từ đó bổ sung, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ hoàn thiện 3 dự án luật, 9 nghị định, 10 quyết định, 2 chỉ thị liên quan đến văn hóa; tập trung khơi thông nguồn lực văn hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, luận cứ khoa học..., tiêu biểu như: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới; Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa…, không chỉ giúp tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách, mà còn góp phần chuyển đổi nhận thức từ các cấp ủy Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân về lĩnh vực văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam, không chỉ nằm ở dấu ấn kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946) với thông điệp truyền cảm hứng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, mà còn ở tinh thần quan trọng của hội nghị trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, để văn hóa đồng hành với sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, với vai trò là hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững, tạo nên sự tự tin cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Những kết quả đầu tiên, dễ nhận thấy nhất từ Hội nghị này chính là sự chuyển biến thấy rõ về nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò của văn hóa. Những người làm văn hóa thực sự cảm kích khi thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc họp quan trọng của quốc gia, đều nhắc đến việc triển khai, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tham gia điều hành nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phát triển văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Những chuyển động tích cực, đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương cũng mang đến nhiều hy vọng mới cho công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa trên cả nước trong bối cảnh văn hóa là lĩnh vực rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; Bộ Quốc phòng cũng ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong Quân đội...

ha.jpg
Hà Nội triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Với vai trò Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn là thành phố tiên phong trong phát triển văn hóa, con người. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các tỉnh như: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bình Phước, Bến Tre… đã ban hành Nghị quyết chuyên đề hay tiến hành tổ chức Hội nghị văn hóa toàn tỉnh nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp về phát triển văn hóa của các chuyên gia, nhà quản lý, người thực hành văn hóa…

Lan tỏa nét đẹp văn hóa, tinh thần, khát vọng Việt Nam

Với sự tham mưu của ngành, nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt nhiều thành tựu tích cực; các hoạt động đối ngoại được thực hiện đa dạng, linh hoạt và đặc sắc… là những “điểm sáng” tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa sau nửa nhiệm kỳ.

Cụ thể, bám sát Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nâng tầm vị thế của ngành, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước. Trong đó, năm 2022, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có 18 chuyến công tác đối ngoại để lại nhiều dấu ấn cho hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam.

bo-vh.jpg
Lễ kí Chương trình hợp tác văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Italia giai đoạn 2023 - 2026.

Mới đây nhất, trong chuyến công tác châu Âu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, được sự ủy quyền của chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Tajani đã kí Chương trình hợp tác văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Italia giai đoạn 2023 - 2026. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình hòa nhạc đặc sắc tại lâu đài Esterhazy, bang Burgenland (Áo) với sự hiện diện của Chủ tịch nước Hans Peter Doskozil và phu nhân, để lại ấn tượng sâu sắc, đúng như nhận định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “Chương trình hòa nhạc mở ra cơ hội mới tốt đẹp cho sự hợp tác văn hóa giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật”.

Cùng với việc tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, ngành Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời thực hiện các giải pháp đột phá nhằm phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng nhân cách, lan tỏa nét đẹp văn hóa, tinh thần, khát vọng Việt Nam. Những quyết sách mạnh mẽ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lan tỏa tinh thần tích cực trong đời sống nhân dân, tạo nên làn sóng hướng ứng sâu rộng từ Trung ương tới cơ sở, tạo ra các đợt thi đua rộng khắp từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành.

Thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 140 mô hình tiêu biểu trong hàng ngàn, hàng vạn mô hình xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở. Có thể kể đến các mô hình: Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Triển khai hai quy tắc ứng xử ở Hà Nội; Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Ninh Bình; Ánh sáng an ninh trong cộng đồng dân cư ở Ninh Thuận; Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Đà Nẵng…

Nhiều mô hình được triển khai từ rất sớm, qua thực tiễn kiểm nghiệm, đúc rút kinh nghiệm, sáng kiến của cộng đồng tiếp tục phát triển có chiều sâu, tạo điều kiện cho người dân phát huy tính tự chủ, trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa. Từ đây, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã thực sự tỏa sáng, như các lễ đón bằng UNESCO ghi danh thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật Xòe Thái; nghệ thuật làm gốm của người Chăm… góp phần tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

dai-xoe6.jpg
Xòe Thái, được UNESCO vinh danh, là một trong những thành tựu trong nửa nhiệm kỳ của ngành văn hóa.

Nhìn nhận về công tác xây dựng và phát triển văn hóa thời gian qua, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng, hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp; sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả của toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần tạo dấu ấn quan trọng trong lan tỏa nét đẹp văn hóa, tinh thần, khát vọng Việt”.

Xác định những kết quả bước đầu là tiền đề, hành trang quan trọng trên hành trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021; tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa; triển khai, hoàn thiện các chương trình, đề án, đề tài, dự án theo nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...

1nam9570.jpg
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Expo Dubai 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cần nhận thức đầy đủ hơn trong nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa, không phải là công việc có thể làm trong ngày một, ngày hai, nhiều công việc phải có giải pháp đồng bộ, sự phối hợp tổng thể của các ngành. Ngoài việc định hình, lan tỏa các giá trị văn hóa, cần chú ý đến quá trình tiếp biến văn hóa để gạn đục, khơi trong, để làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc. Cùng với đó, cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực, bao gồm nhân lực làm văn hóa và nguồn lực đầu tư cho văn hóa, tạo ra bước phát triển đúng như mong muốn của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn nửa nhiệm kỳ lĩnh vực văn hóa: Tiếp nối mạch nguồn “soi đường cho quốc dân đi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.