Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thủy lợi gắn với biến đổi khí hậu

Kim Nhuệ| 01/09/2021 07:49

(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, trước biến đổi khí hậu, hệ thống thủy lợi của Hà Nội bộc lộ hạn chế, đòi hỏi cần thiết sớm nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, đáp ứng yêu cầu thực tế...

Cứng hóa kênh La Khê, một trong những hạng mục công trình quan trọng của dự án cải tạo hệ thống tiêu thoát nước phía Tây Hà Nội, đang được gấp rút triển khai.

Nằm trên địa bàn xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh), Trạm bơm Tam Báo xây dựng năm 1970, gồm 10 tổ máy, công suất 4.000m3/giờ có nhiệm vụ tiêu úng cho khoảng 2.500ha của huyện Mê Linh và một phần diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, máy móc, thiết bị xuống cấp nên hiệu suất của trạm bơm này hiện chỉ đạt khoảng 70% công suất thiết kế... "Nếu mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ cộng thêm mực nước sông dâng cao thì trạm bơm khó hoàn thành nhiệm vụ tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp nêu trên...”, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Lưu Thành Quang cho biết.

Tương tự, nhiều trạm bơm trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Khai Thái (huyện Phú Xuyên), Nhân Lý (huyện Chương Mỹ), Đức Môn (huyện Mỹ Đức), Bộ Đầu (huyện Thường Tín)... đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Ngoài ra, nhiều dòng sông, như: Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê... là trục tiêu chính của thành phố nhưng đang bị bồi lắng, thu hẹp, làm giảm tốc độ lưu thoát...

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, trong đó có nhiều trạm bơm có quy mô, vốn đầu tư lớn, như: Yên Nghĩa, Hồng Vân, Thụy Phú, Thanh Điềm... Tuy nhiên, do Hà Nội có số lượng lớn công trình thủy lợi xây dựng từ lâu... nên hiện nay đang bị xuống cấp. Hơn nữa, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố được xây dựng trước đây chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, do tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị, giao thông trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh dẫn đến việc làm gia tăng nhu cầu thoát nước khi xảy ra tình huống mưa lớn, kéo dài...

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm úng ngập khu vực ngoại thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát hệ thống thủy lợi để tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi hiện có theo hướng hiện đại, đồng bộ phục vụ phương thức sản xuất tiên tiến...

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã báo cáo đề xuất UBND thành phố hiện đại hóa hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu... Trước mắt, Sở đề xuất UBND thành phố đầu tư xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Trạm bơm Văn Khê và Bộ Đầu; cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ cống Liên Mạc đến cống Hà Đông và từ Hà Đông đến đường Vành đai 4; xây dựng hệ thống chuyển nước từ sông Tích vào sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức; chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm bơm: Thanh Điềm, Phù Sa, Ấp Bắc...

“Để nâng cao năng lực hệ thống thủy lợi ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, các quận, huyện, thị xã cần phối hợp với các tổ chức thủy lợi tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ các công trình thủy lợi. Các doanh nghiệp thủy lợi cần thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp các công trình, bảo đảm vận hành tốt phục vụ sản xuất và tiêu úng...”, ông Chu Phú Mỹ đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thủy lợi gắn với biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.