(HNM) - Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đã có 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, trong đó có hàng trăm sản phẩm làng nghề. Chương trình OCOP đã, đang và sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để 1.350 làng nghề và làng có nghề của Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lợi thế phát triển sản phẩm OCOP
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng cả nước với nghề làm gốm sứ và Chương trình OCOP đang mang đến nhiều cơ hội cho sản phẩm làng nghề nơi đây. Ông Hà Văn Lâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện làng nghề truyền thống Bát Tràng chia sẻ: Hiện làng Bát Tràng có 600/900 hộ dân làm gốm sứ và kinh doanh các mặt hàng liên quan đến gốm sứ, đều có việc làm, thu nhập ổn định. Theo nghệ nhân Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, năm 2019, Hợp tác xã đã tham gia Chương trình OCOP và có “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc” (một trong 5 bộ sản phẩm của xã Bát Tràng) được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng tiềm năng "5 sao", đang trình Trung ương đánh giá, công nhận.
Tương tự, từ những nguyên liệu giản đơn như tre, nứa, vầu, trúc, bương, song, mây... những người thợ tài hoa ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo như: Khay, đĩa, rổ, rá, bàn, ghế, bình hoa, đèn ngủ... vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu ra thế giới. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng cho biết, xã có 7/7 làng được công nhận làng nghề truyền thống, thu hút 2.900 hộ tham gia làm nghề. Nhờ có nghề truyền thống, hiện thu nhập bình quân của xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. “Đặc biệt, 2 năm qua, mỗi năm xã Phú Nghĩa có hàng chục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và được công nhận. Đây là sự khẳng định thương hiệu sản phẩm làng nghề, tạo chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường”, ông Trần Văn Phụng cho hay.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Kết hợp sự sáng tạo của người thợ cùng truyền thống làng nghề, mỗi sản phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã xuất khẩu tới các thị trường thế giới. Đây là lợi thế để Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP. Hai năm qua, các làng nghề đã tích cực tham gia và có hàng trăm sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Qua đó, các sản phẩm làng nghề được nâng cao chất lượng, mẫu mã, được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo đầu ra tốt hơn cho sản phẩm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng: Chương trình OCOP đã giúp các làng nghề củng cố về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đồng thời tạo cơ hội "vàng" cho hội viên, thành viên trong Hiệp hội quảng bá sản phẩm ra
thị trường. Mặt khác, tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã có ý thức hơn trong việc phát triển sản phẩm, đáp ứng xu hướng tiêu dùng trên thị trường. “Những sản phẩm mang hồn cốt của làng nghề chinh phục thị trường quốc tế không chỉ là mặt hàng tiêu dùng thuần túy mà đã quảng bá ra thế giới nét đẹp văn hóa, bản sắc Việt Nam”, bà Hà Thị Vinh nói.
Từ góc nhìn của một trong những người làm ra sản phẩm mây tre giang đan đạt "4 sao" trong Chương trình OCOP, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) nhìn nhận: Chương trình OCOP đã tạo không khí thi đua, lan tỏa trong làng nghề, đặc biệt là sự vào cuộc của các nghệ nhân có tay nghề cao đã vừa bảo lưu, phát triển được sản phẩm truyền thống, vừa sáng tạo sản phẩm mới lạ, độc đáo, phù hợp thị hiếu của khách hàng.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhận định: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất tại làng nghề đã mở rộng thêm quy mô, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới... Phúc Thọ xác định Chương trình OCOP là cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Với lợi thế có nhiều làng nghề như đồ gỗ Long Xuyên, Hát Môn; may mặc Tam Hiệp..., huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục phát triển các sản phẩm làng nghề, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Hiện tại, các làng nghề rất cần được các cấp, ngành thành phố quan tâm, hỗ trợ về điểm sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện môi trường… Cùng với đó, mỗi người dân làng nghề, cơ sở sản xuất cần sáng tạo, năng động hơn nữa để tận dụng một cách hiệu quả cơ hội mà Chương trình OCOP mang lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.