Nông nghiệp xanh được xác định là hướng đi quan trọng cho phát triển bền vững ngành Nông nghiệp. Theo định hướng đó, nhiều chính sách trong Luật Đất đai 2024 đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về nông nghiệp và tập quán canh tác, sử dụng đất của nông dân.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý vẫn còn đang loay hoay giữa hành lang chính sách. Để phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái bền vững với mô hình nông nghiệp đa mục đích, những khó khăn về thể chế cần được giải tỏa bằng hệ thống giải pháp đồng bộ.
Chính sách vẫn chưa “xanh”
Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và dược liệu Việt Nam (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho biết, hợp tác xã đang sản xuất dược liệu dưới tán rừng tại nhiều địa phương. Việc trồng loại cây này không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn giúp bảo vệ hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, chính sách về đất đai chưa đồng nhất; có nơi, trồng dược liệu dưới tán rừng được khuyến khích, nhưng có địa phương do lo ngại xâm phạm đất rừng nên việc triển khai gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quyết, ở huyện Ba Vì đang phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái chia sẻ, gia đình ông đã chuyển đổi hơn 1ha đất nông nghiệp thành khu vườn hữu cơ kết hợp trải nghiệm tham quan cho du khách. Gia đình ông muốn xây dựng thêm các công trình phụ trợ, như nhà nghỉ (homestay), khu trưng bày sản phẩm để nâng cao giá trị dịch vụ, nhưng việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất phức tạp, thủ tục kéo dài, khiến dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Hơn nữa, hiện chưa có chính sách cụ thể khuyến khích các hộ gia đình phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái.
Còn Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) Võ Quan Huy cho rằng, Luật Đất đai 2024 yêu cầu đấu giá khi thuê đất, khiến cả nông dân và chính quyền lúng túng. Nhiều hộ dân đã đầu tư chỉnh trang, khai hoang đất trước đó, nếu phải thu hồi và tổ chức đấu giá lại sẽ gây thiệt hại lớn cho họ và khó cho chính quyền.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Camlam.online (tỉnh Khánh Hòa) Đặng Thế Truyền nhận định, Luật Đất đai 2024 đã mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp đa mục đích, cho phép xây dựng công trình hỗ trợ, như khu trưng bày sản phẩm, kho hàng hóa trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa ban hành được hướng dẫn chi tiết, khiến doanh nghiệp phải tự mày mò, dễ dẫn đến sai phạm.
Đẩy mạnh tích tụ đất nông nghiệp
Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ khẳng định, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, nhằm thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Đặc biệt, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã quy định rõ trình tự lập phương án sử dụng đất, bảo đảm hiệu quả trong quản lý và triển khai.
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính chia sẻ, các trang trại giờ đây không bị khống chế hạn mức đất sử dụng và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Luật Đất đai 2024 cũng mở rộng việc sử dụng đất rừng để phát triển du lịch dưới tán rừng và trồng dược liệu, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các địa phương và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, xem xét và có các chương trình, đề án hỗ trợ cụ thể đối với các chủ rừng, các đơn vị, hợp tác xã… sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch và dịch vụ liên quan đến đất có nguồn gốc nông, lâm nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển các mô hình sử dụng đất đa mục đích, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, việc triển khai phải bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Các chính sách mới cần phải bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, song không gây cản trở sự sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Những quy định về chuyển nhượng, góp vốn, hoặc tích tụ đất cần được thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế tối đa nguy cơ lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc đầu cơ.
Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới đã mở ra những cơ hội lớn cho việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, nhất là trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và các mô hình kinh tế đa mục đích. Song, việc hiện thực hóa những kỳ vọng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân, cùng với những giải pháp quản lý linh hoạt và minh bạch. Quan trọng hơn, các chính sách phải lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nông dân và cộng đồng, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng sử dụng đất theo hướng bền vững. Chỉ khi làm tốt những điều này, Luật Đất đai 2024 mới thực sự trở thành công cụ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa:
Cấp thiết hoàn thiện hành lang pháp lý
Đa phần các giao dịch đất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sự tự thỏa thuận, mua bán giữa người dân, mà thiếu một khung pháp lý đồng bộ để quản lý. Đây là một rào cản lớn, không chỉ đối với nông dân, mà còn đối với các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Những bất cập này đã làm chậm bước tiến của nông nghiệp xanh và sinh thái - một hướng đi bền vững và phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài của Hà Nội. Các thách thức từ việc thiếu hành lang pháp lý, sự chậm trễ trong hướng dẫn triển khai chính sách, cho đến những quy định còn chưa thực sự khuyến khích, tích tụ đất, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự điều chỉnh chính sách một cách toàn diện.
Để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực. Trước mắt, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch đất nông nghiệp và ưu tiên các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:
Cần kiểm soát nguy cơ "gom đất giá rẻ"
Việc cho phép các tổ chức và cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được mua đất nông nghiệp đã mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp và chính sách cụ thể để kiểm soát, thì nguy cơ "gom đất giá rẻ" để trục lợi từ chênh lệch giá đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ xảy ra. Chúng ta cần một hệ thống cảnh báo và các giải pháp chính sách cụ thể để bảo đảm, các giao dịch đất nông nghiệp không bị lợi dụng cho mục đích đầu cơ hoặc tạo ra bất công giữa các nhóm lợi ích. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này sẽ phá vỡ cấu trúc nông nghiệp bền vững, đồng thời gây khó khăn cho nông dân thực sự muốn phát triển sản xuất.
Mặt khác, nếu chính sách quản lý đất đai quá chặt chẽ, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu thực sự sẽ không được hỗ trợ đúng mức. Điều này khiến đất nông nghiệp vẫn manh mún, khó tích tụ và không thể phát huy tối đa giá trị của đất.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Miền (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) Triệu Thị Lan Hương:
Cơ chế hỗ trợ còn nhiều bất cập
Dù nông nghiệp sinh thái được khuyến khích và là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, nhưng cơ chế hỗ trợ từ chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Dù muốn phát triển mô hình trang trại sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, nhưng việc chuyển đổi một phần đất nông nghiệp để làm khu phục vụ khách du lịch rất khó khăn. Các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất vừa phức tạp, vừa tốn thời gian.
Bên cạnh đó, các khu vực sản xuất nông nghiệp sinh thái đa phần ở vùng ngoại ô, điều kiện giao thông và dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển đồng bộ. Nếu không có sự đầu tư từ các cấp chính quyền hoặc cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia, người dân khó có thể tự mình gánh vác. Những chính sách cần thực tế hơn, như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo kỹ thuật, hay giảm bớt các thủ tục đất đai. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể và linh hoạt cho các mô hình kết hợp, như sản xuất sinh thái gắn với dịch vụ du lịch.
Sơn Tùng ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.