Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn được giao quyền quản lý tổng thể viên chức giáo dục

Tiến Thành lược ghi 07/02/2025 - 19:18

Ngày 7-2, tiếp thu, giải trình các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc quản lý, điều động viên chức giáo dục trên phạm vi cả nước là “ao ước” của ngành.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là một luật rất mới, lực lượng nhà giáo rất đông, mong muốn cũng rất nhiều, cho nên ngay đợt đầu của luật này rất khó có thể bao quát hết được tất cả mọi chi tiết mà cuộc sống đang thay đổi rất nhanh. “Chúng ta cân nhắc với tính chất là một luật mới, không phải là luật sửa đổi. Tuy như vậy nhưng Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu rất cẩn thận để phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa - Giáo dục để tiếp tục trong phạm vi có thể của thời gian về các yêu cầu”, Bộ trưởng nói và cho biết sẽ điều chỉnh nội hàm của vấn đề đạo đức nhà giáo trong dự thảo Luật.

Trước nhiều ý kiến nêu có liên quan đến vấn đề tuyển dụng theo tinh thần phân cấp, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật phân cấp mạnh hoặc trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc cho cơ quan quản lý giáo dục. Tuy nhiên, tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 50.000 cơ sở giáo dục thì quy mô rất khác nhau, cũng là một cơ sở giáo dục nhưng một trường mầm non với một trường trung học thì rất khác nhau.

“Một trường trung học ở khu vực Hà Nội với một trường trung học ở khu vực miền núi, vùng khó là rất khác nhau. Ví dụ một trường mầm non với một trường tiểu học ở vùng xa mà các thầy giao cho họ tuyển dụng viên chức với các quy định tuyển dụng viên chức như thế nào thì các thầy biết rồi, phải tự lập hội đồng, phải làm đề thi như thi viên chức, cho nên việc giao này thành thảm họa cho họ chứ không phải cứ giao cho họ quyền tuyển dụng là có thể họ làm được”, Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng đối với những cơ sở giáo dục có đủ sức có thể “gánh” được nên mạnh dạn phân cấp và giao cho họ, nhưng ở những khu vực khác chúng ta cũng nên linh hoạt hơn trong việc tổ chức này.

Đối với ý kiến tăng cường mạnh hơn về vấn đề điều động giáo viên trên phạm vi cả nước và các chính sách đặc biệt hơn, Bộ trưởng cho biết đây là “ao ước” của ngành Giáo dục; hiện nay, Bộ Giáo dục không trực tiếp quản lý viên chức mà giao cho các cấp tỉnh. “Hiện nay, đối với cấp tỉnh trong các huyện khác nhau chỉ điều động ở bậc trung học, còn ngay cả tiểu học ở huyện này không chuyển sang huyện khác được”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, trong dự thảo Luật đang đề xuất chính sách giao đến cấp Sở để có thể điều động giữa các khu vực trong toàn một tỉnh cũng đã là một thay đổi mang tính “cách mạng”. Ngành Giáo dục được giao cho quyền quản lý viên chức tổng thể sẽ rất tốt.

Một số nội dung góp ý liên quan đến quy định những điều nhà giáo không được làm và liên quan đến chuyện dạy thêm, quy định này Bộ trưởng cho biết, Luật được xây dựng với tinh thần không đi vào chi tiết, chỉ nêu định hướng và nguyên tắc, còn đi vào chi tiết sẽ dài dòng mà không bao quát hết được. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát nhưng quy định sẽ chi tiết hơn ở các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn được giao quyền quản lý tổng thể viên chức giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.