Giữa những khó khăn chồng chất của thiên tai và giá cả nông sản bấp bênh, người nông dân Hà Nội vẫn kiên cường vượt qua bão tố. Họ không ngừng đổi mới tư duy và sáng tạo để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững.
Năm mới, mang theo khát vọng lớn lao, người nông dân Thủ đô tiếp tục hành trình nghĩ lớn, làm lớn, đưa nông sản Hà Nội vươn ra thế giới, viết nên câu chuyện tự hào về nông nghiệp Thủ đô trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một năm vượt bão
Năm 2024 với chị Nguyễn Thị Mai, chủ trang trại rau màu hữu cơ công nghệ cao Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên), là một chặng đường không dễ dàng. Hợp tác xã của chị đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây mới, như dưa Hàn Quốc, dưa tím vào canh tác. Những giống mới này không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, mà còn gặp thách thức ở việc làm quen thị trường. Thế nhưng, khi các loại cây trồng mới còn chưa kịp bén duyên với người tiêu dùng, cơn bão số 3 đã kéo đến. Nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng nặng nề, hoa màu bị quật ngã. “Bao năm gây dựng, giờ đây phải bắt đầu lại từ đầu. Khó khăn chồng chất, nhưng muốn đi tiếp thì không thể ngồi chờ, thở than với “ông trời” được. Mình phải tự gồng lên, nỗ lực theo kịp thị trường và khắc phục từng chút một” - chị Mai chia sẻ với ánh mắt đầy quyết tâm.
Chính sự mạnh mẽ ấy đã giúp chị và những nông dân nơi vùng đất bãi này vượt qua gian khó. Sau bão, trang trại Vinh Hà dần hồi sinh. Những trái bưởi Diễn thơm ngát vẫn vàng óng trong vườn, sẵn sàng đón khách về thu mua. Một loạt rau, củ, quả chất lượng cao, từ cải bó xôi, cà rốt hữu cơ đến những mẻ dưa hấu mới ngọt lành,... được thị trường đón nhận nồng nhiệt. “Tết này, trang trại Vinh Hà đã thực sự trở lại. Không chỉ là trái ngọt, mà còn là niềm tin cho một hành trình mới, bền vững hơn” - chị Mai nói với nụ cười nhẹ nhõm, như vừa gạt đi một năm đầy giông bão.
Trong những ngày cuối năm, khi Tết đã gõ cửa từng nhà, không khí trang trại của chị Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì lại rộn ràng chuẩn bị cho mùa thu hoạch lớn. Vượt qua cơn bão số 3, những mảnh đất đồi từng ngập trong bùn lầy, những chuồng trại đổ sập... nay đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành nơi cung cấp hàng chục ngàn tấn nông sản cho thị trường dịp Tết. Năm nay, gia đình chị Thơ xuất chuồng gần 10.000 con gà đồi, thu hoạch 15 vạn quả dứa, hàng chục ngàn quả bưởi cùng nhiều loại nông sản khác. "Nhìn gà trong chuồng, cây trĩu quả trên đồi, tôi không kìm được nước mắt. Có lúc tôi tưởng mình đã không vượt qua nổi cơn bão ấy, nhưng chúng tôi đã làm được" - chị Thơ chia sẻ với giọng xúc động.
Giữa đất trời se lạnh, trang trại của chị Thơ tràn đầy sắc xuân. Từng hàng bưởi trĩu quả, những vườn dứa vàng ruộm dưới nắng đông, như nhắn gửi về một năm mới đủ đầy, an lành. Tết này, chị Thơ sẽ đón mùa vàng trên chính mảnh đất từng bị bão táp vùi dập. Đó là phần thưởng lớn nhất cho những người nông dân như chị Thơ.
Vững tin vào thành quả ngọt ngào
Câu chuyện vượt khó của Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Huệ là một minh chứng cho bản lĩnh và tầm nhìn của một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Không chịu ảnh hưởng từ bão lũ, nhưng công ty lại đối mặt với một "trận bão" khác đến từ thị trường - đó là sự cạnh tranh của sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc, giá rẻ tràn lan. Bên cạnh đó, năm 2024, thời tiết nắng nóng kéo dài gây mất điện thường xuyên, công ty cũng phải đầu tư khá lớn vào hệ thống máy phát điện, bởi nếu nhiệt độ không ổn định, toàn bộ mẻ nấm sẽ bị hỏng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. "Năm 2005, chúng tôi xây dựng cơ sở đầu tiên tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), nhưng trận lụt lịch sử năm 2008 buộc chúng tôi phải chuyển về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), cũng gây thiệt hại khá lớn" - chị Huệ nhớ lại những "cơn bão" lớn trong hành trình vượt khó của mình.
Với diện tích 3ha, công ty đầu tư gần 70 tỷ đồng để xây dựng hệ thống sản xuất nấm hiện đại, từ phòng cấy giống, ươm, đến khu đóng gói và thu hoạch. Toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ tiêu chuẩn Nhật Bản, từ chọn nguyên liệu đầu vào như cám gạo, cám ngô đến kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng để bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện tại, sản phẩm chính của công ty là nấm kim châm, chiếm 95% tổng sản lượng, còn lại là nấm hương, nấm bào ngư và nấm linh chi. Với năng suất 3 tấn/ngày, nấm kim châm Kinoko Thanh Cao đã được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao cùng mã QR truy xuất nguồn gốc. Nhờ nỗ lực không ngừng, doanh thu của công ty đạt 2 - 3 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Thành công của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao không chỉ là niềm tự hào của nông nghiệp công nghệ cao Thủ đô, mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành sản xuất nấm Việt Nam.
Không chỉ có gia đình chị Thơ, chị Mai hay bà chủ của doanh nghiệp nấm trăm tỷ Dương Thị Huệ, khắp vùng đất Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa…, nhiều nông dân Hà Nội cũng đang ngày ngày đương đầu với những khó khăn mà thiên tai và biến động thị trường mang lại. Mỗi lần bão lũ đi qua, họ lại bắt đầu từ đầu, dẫu đất đai bạc màu, giá cả nông sản bấp bênh. Cây trồng mất thì trồng lại, chuồng trại hỏng thì sửa chữa. Họ luôn vững tin vào thành quả ngọt ngào với tâm niệm ngàn đời: Không bỏ đất thì đất sẽ không bỏ mình.
Đến nghĩ lớn, làm lớn
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa, năm qua, nông dân Thủ đô đã trải qua một hành trình đầy thách thức. Từ những trận bão dữ, mưa kéo dài đến biến động khó lường của giá cả nông sản trên thị trường, tất cả đều thử thách lòng kiên nhẫn, sức sáng tạo và sự bền bỉ của người làm nông. Giữa muôn vàn khó khăn ấy, hình ảnh những người nông dân vẫn kiên trì bám ruộng, bám vườn để làm nên "mùa vàng" cho quê hương, luôn là điều khiến chúng ta cảm phục.
“Những người dân Hà Nội không chỉ làm nông, mà còn đang gìn giữ những giá trị bền vững cho nông nghiệp đô thị. Họ giữ lấy cây, con, giữ lấy đất, biến mọi trở ngại thành động lực để không chỉ đứng vững, mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng hành cùng với người nông dân, tôi thấy một niềm tin mạnh mẽ rằng, chỉ cần còn đôi bàn tay, nông dân Thủ đô sẽ không để đất đai của mình phải ngủ yên, không để bất kỳ khó khăn nào chôn vùi sức lao động” - bà Phạm Hải Hoa xúc động nói. Chính sự cần cù, chịu thương, chịu khó và tinh thần sáng tạo đã giúp nông dân Hà Nội vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cũng khẳng định: Nông dân Thủ đô không chỉ là những người làm nên những mùa màng bội thu, mà còn là những người tiên phong trong đổi mới tư duy, tìm kiếm hướng đi phù hợp để vượt qua thách thức. Chính tài năng và ý chí ấy đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền nông nghiệp Hà Nội, xây dựng những miền quê giàu đẹp, văn minh, nơi nông dân có việc làm ổn định và đời sống ngày càng được nâng cao.
Bước sang năm mới, người nông dân Hà Nội tiếp tục mang trong mình khát vọng lớn, sẵn sàng nghĩ lớn và làm lớn. Đó là khát vọng đưa những sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn chinh phục thị trường quốc tế. Đó là ý chí kiên định để sản xuất sạch, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Hà Nội. Và hơn hết, đó là tinh thần đoàn kết, sáng tạo để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, góp phần làm rạng danh Thủ đô ngàn năm văn hiến trong kỷ nguyên mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.