Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững

Hà Phong 04/02/2025 - 06:38

Luật Thủ đô năm 2024 mang đến những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đặt nền móng quan trọng để Hà Nội thích ứng linh hoạt, đồng thời tăng tốc, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, những quy định trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là điểm mới so với Luật Thủ đô năm 2012.

nong-nghiep.jpg
Chăm sóc cây măng tây tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Gia tăng tính chủ động

Thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Khoản 1 Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024 xác định: “Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững; chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao”.

Để thực hiện mục tiêu trên, luật phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Đáng chú ý, nhằm tháo gỡ khó khăn về việc xây dựng trên đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, thương mại, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, luật cho phép trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích bãi sông, bãi nổi trên địa bàn, HĐND thành phố được quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, đem lại giá trị kinh tế cao và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô… Song, phải bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.

Kỳ vọng nông nghiệp tăng tốc phát triển

Thực tế cho thấy, dù là địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng Hà Nội vẫn có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Vì vậy, khắc phục hạn chế, tạo đột phá cho nông nghiệp phát triển được cho là yêu cầu tất yếu. Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ góp phần định hướng lại sản xuất nông nghiệp của Thủ đô theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững. Đây là cách đặt vấn đề mới, vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của các địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung… Hà Nội cần nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ trong xây dựng và phát triển nông nghiệp nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong tương lai, một bộ phận vùng nông thôn sẽ trở thành đô thị. Do vậy, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần tính tới đặc điểm hiện tại và xu hướng phát triển dài hạn của mỗi khu vực. Cùng với đó, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số.

Ở góc nhìn khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng, việc cần làm trước tiên là xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn dài hạn trên cơ sở rà soát, đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện có cũng như khả năng mới xuất hiện. Trên cơ sở quy hoạch, cần vận dụng tốt các quy định tại Điều 25 về “Thí điểm có kiểm soát” một cách sáng tạo và hiệu quả để thu hút đầu tư, thử nghiệm những cách làm mới, tiến tới thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành mô hình nông thôn giàu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.