Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những tín hiệu khả quan

Nguyễn Mai| 15/09/2017 07:14

(HNM) - Năm 2017, Hà Nội tập trung tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao và yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng ít nhất một mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.


Trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.


Hiệu quả rõ nét

Theo chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" Ngô Thị Thanh Hằng, trong năm 2017, ít nhất mỗi huyện có một điểm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, toàn thành phố có 37 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương phát triển được nhiều mô hình này là Sóc Sơn 8 mô hình, Thanh Trì 6 mô hình, Quốc Oai 5 mô hình, Đan Phượng 3 mô hình…

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội đầu tư trồng nấm bằng công nghệ cao. Bà Dương Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng nấm được doanh nghiệp triển khai từ năm 2016. Nhà máy sử dụng công nghệ nuôi cấy, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Hiện sản lượng giai đoạn 1 của nhà máy là 700kg nấm/ngày; đến cuối năm nay, khi thị trường được mở rộng, sẽ nâng sản lượng lên 3 tấn/ngày.

Nói về dây chuyền công nghệ cao của doanh nghiệp, bà Dương Thị Thu Huệ cho biết, trồng nấm bằng công nghệ cao có máy móc hỗ trợ ở tất cả các công đoạn nên không cần nhiều lao động. Cây nấm được nuôi dưỡng trong môi trường phù hợp nên sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát ở xã Yên Mỹ cũng đã đưa mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên ở huyện Thanh Trì vào hoạt động. Trên diện tích 2.600m2, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà màng, lưới che nắng, tự động cảm biến nhiệt độ, quạt đối lưu không khí, bơm nước động lực, hệ thống cung cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn… Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hồng, so sánh với mô hình áp dụng tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho thấy, cây rau phát triển tương đương. Đáng nói, sản phẩm rau thủy canh của hợp tác xã đã tìm được thị trường tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể của cơ quan, trường học của huyện Thanh Trì và hướng tới cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.

Tăng cường hỗ trợ

Thực tế cho thấy, nếu so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia. Một trong những nguyên nhân là đầu tư cho lĩnh vực này cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi, doanh nghiệp nông nghiệp ở Hà Nội chủ yếu quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế có hạn; các hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể càng khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, việc tích tụ đất đai, thuê mặt bằng mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn còn khó khăn…

Để tháo gỡ vướng mắc, thành phố đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Với quy mô 2.600m2 trồng rau thủy canh, hợp tác xã đã đầu tư khoảng 2,6 tỷ đồng, trong đó huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 1,15 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng giá trị đầu tư của mô hình; đồng thời huyện còn hỗ trợ cho thuê đất, tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các nơi.

Tương tự, mô hình trồng nấm công nghệ cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, doanh nghiệp đã đầu tư 3 triệu USD để nhập dây chuyền công nghệ của nước ngoài và nhận được sự hỗ trợ từ dự án “Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại TP Hà Nội” thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2012-2015; ngoài ra được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 5,43 tỷ đồng và được UBND TP Hà Nội hỗ trợ 2,95 tỷ đồng.

Mới đây, làm việc với các huyện về triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho hay, thành phố luôn đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và an toàn thực phẩm.

Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng những hỗ trợ cụ thể của thành phố và các địa phương sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Những tín hiệu khả quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.