(HNM) - Những năm qua, bên cạnh hệ thống thư viện công lập, mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cơ sở phát triển mạnh mẽ, trở thành cầu nối giữa tri thức và người dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thư viện Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) thu hút đông đảo độc giả nhỏ trong dịp hè. |
Tạo không gian đọc gần gũi
Mùa hè, Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) bao giờ cũng sôi nổi hơn ngày thường, bởi 90% độc giả ở đây là các bạn nhỏ. Em Nguyễn Kiến An, học sinh Trường THPT Vạn Xuân - một trong 50 tình nguyện viên của thư viện, đang nhiệt tình giới thiệu với các độc giả nhỏ tuổi những cuốn sách mới.
Nguyễn Kiến An chia sẻ, em rất thích đọc sách nhưng thư viện huyện, thành phố ở xa, nên chưa thường xuyên đến được. May mắn 5 năm trước, Thư viện Dương Liễu mở ngay gần nhà. Ban đầu, An cũng là độc giả, đến đọc và mượn sách, sau này thư viện tuyển tình nguyện viên, em tham gia và trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp độc giả mượn, trả sách.
Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) là niềm tự hào của người dân trong thôn, khi bền bỉ phục vụ cộng đồng hơn 20 năm qua. Hiện tại, Thư viện thôn Bình Vọng đã có hơn 10.000 cuốn sách, cấp gần 700 thẻ bạn đọc, có 121 cộng tác viên phục vụ tất cả các ngày trong tuần.
Chủ nhiệm Thư viện thôn Bình Vọng Lưu Thị Thiệu chia sẻ: "Các giá sách theo năm tháng cứ đầy lên, đều là từ sự đóng góp, hỗ trợ của người dân trong thôn, bà con xa xứ, các tổ chức, các thư viện công cộng". Bất cứ lúc nào mở cửa, thư viện này cũng đón đông đảo đối tượng độc giả, từ những người cao tuổi không cần phải nhớ mang thẻ, đến những người nông dân sau buổi ra đồng, người bán hàng sau buổi chợ, hay các em học sinh...
Nhắc đến Không gian đọc Hy vọng (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) của Đỗ Hà Cừ - người bị liệt toàn thân bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam, ai cũng cảm phục. Tuy không thể đến trường, nhưng Đỗ Hà Cừ đã có người bạn, người thầy là sách. Không chỉ vậy, được sự hỗ trợ của người thân, chàng trai trẻ đã mở không gian đọc mang tên Hy vọng tại chính nhà mình, để đón những người yêu sách xung quanh đến đọc, trao đổi, bầu bạn.
Mô hình này về sau lan rộng sang nhiều địa phương khác, như: Không gian đọc Bồ Đề Tâm (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Không gian đọc Niềm tin (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Không gian đọc Ánh sáng (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng)...
Những năm gần đây, ở các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều thư viện tư nhân, tủ sách, phòng đọc sách cơ sở. Các thư viện này thường được thành lập bởi các cá nhân tâm huyết, các tổ chức, công ty, dòng họ..., phục vụ cộng đồng miễn phí.
Khuyến khích thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng
Mô hình Không gian đọc Hy vọng (Thái Bình) được nhân rộng ở nhiều địa phương. |
Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 6-1-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ra đời đã 10 năm, hỗ trợ nhiều cho việc phát triển và hình thành mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trên cả nước.
Tuy nhiên, phần lớn các thư viện này có kinh phí hạn hẹp, nên cơ sở vật chất, nhất là vốn tài liệu sách, báo chưa đầy đủ, thiếu cân bằng và cũ. Thời gian, nhân lực phục vụ độc giả tại đây cũng khá hạn chế. Có thư viện có nhiều sách quý, nhưng do người trông coi tuổi cao, sức yếu không thể mở cửa phục vụ, như Thư viện Tâm Thành (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã đóng cửa 2 năm nay...
Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hơn 20.000 thư viện cấp cơ sở. |
Để thư viện tư nhân hoạt động hiệu quả, theo tình nguyện viên Nguyễn Kiến An ở Thư viện Dương Liễu, quan trọng nhất là vốn tài liệu phải phong phú, quý và mới. Vì vậy, mong mỏi của các thư viện này là được sự ủng hộ thường xuyên, đều đặn của các đơn vị xuất bản, phát hành sách, các thư viện công cộng để đưa sách mới, sách hay về thư viện cơ sở.
Còn theo Chủ nhiệm Thư viện thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) Lê Thị Ký, việc lồng ghép hoạt động khuyến học với phục vụ đọc sách sẽ thu hút nhiều đối tượng đến thư viện hơn. Bên cạnh đó, các thư viện tư nhân cũng mong muốn được tổ chức thành hội hoặc chi hội trực thuộc Hội Thư viện Việt Nam, nhằm tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các thư viện tư nhân trong nước.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, Vụ Thư viện đã huy động và kêu gọi các thư viện công cộng, các đơn vị xuất bản, phát hành thường xuyên luân chuyển, cung cấp sách, báo mới và liên kết tổ chức những hoạt động liên quan đến sách tại các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở, để mạng lưới này phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, việc sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý là yếu tố quan trọng để mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cơ sở thực sự trở thành cầu nối giữa tri thức với người dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp văn hóa đọc trong cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.