Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp

Hà Dương - Đặng Loan| 20/06/2010 06:23

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm Văn phòng đại diện Báo Hànộimới (HNM) - “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 19-6, do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức.

* Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thăm Văn phòng đại diện Báo Hànộimới

(HNM) - “Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 19-6, do Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức.


Các đồng chí: Nguyễn Bắc Son, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Đinh Thế Huynh, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, TBT Báo Nhân Dân; Tạ Ngọc Tấn, UVTƯ Đảng, TBT Tạp chí Cộng sản, cùng đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT, Bộ VH-TT&DL, Hội đồng LLPB VHNT TƯ, các ban, ngành TƯ và các nhà báo lão thành Hồng Đăng, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Phan Quang đã tới dự.

Quang cảnh cuộc hội thảo.

Đề dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ những thành tựu về mọi mặt trong 85 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc của nền báo chí cách mạng Việt Nam như loại hình, số lượng cơ quan, số đầu báo, tạp chí, chương trình đều tăng; chất lượng, nội dung, hình thức chuyển tải thông tin được nâng cao. Song, bên cạnh đó báo chí cũng bộc lộ không ít sự non kém về bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ; thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả lãnh đạo cơ quan báo chí chạy theo xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo. Một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là nền báo chí còn thiếu tính chuyên nghiệp bộc lộ trên nhiều mặt (bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, tuyển chọn sử dụng người làm báo, xây dựng mô hình cơ quan báo chí…).

40 tham luận đã được gửi đến hội thảo, trong đó có 14 ý kiến tham luận trực tiếp. Các tham luận tập trung vào 3 vấn đề: lịch sử, lý luận quan điểm và đường lối báo chí cách mạng Việt Nam, những bài học kinh nghiệm 85 năm qua của báo chí cách mạng; thực trạng nền báo chí hiện nay và những cơ hội, thách thức; những định hướng và giải pháp nhằm giữ vững bản chất cách mạng và nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí cách mạng Việt Nam.

Những tham luận và ý kiến trực tiếp góp phần nêu bật truyền thống vẻ vang, thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng, bài học kinh nghiệm; đề cập được các giá trị tư tưởng, thực tiễn trong sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham luận "Vai trò của báo chí trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong xây dựng, phát triển đất nước" (Hà Đăng), "Di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng đạo đức người làm báo Việt Nam" (Nguyễn Đức Hạnh), "Những bài học lớn từ nhà cách mạng, nhà báo Trường Chinh" (Minh Huy)…

Các ý kiến đều khẳng định cần đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng cả về nội dung và phương thức, để báo chí phát triển đúng định hướng mà vẫn tạo bầu không khí sáng tạo cho nhà báo và phát triển nền báo chí nước nhà. Tiêu biểu như các ý kiến "Kinh nghiệm 85 năm qua là báo chí luôn phải có sự lãnh đạo của Đảng. Trước hết, tính cách mạng của báo chí cách mạng là phải có định hướng. Nhà báo dù làm gì cũng không được xa rời định hướng" (Phan Quang). "Trong thời kỳ đổi mới, vai trò bản chất cách mạng của báo chí nước ta không hề giảm sút mà còn được nhấn mạnh hơn" (Hà Đăng). Và "nhà báo - chiến sĩ gắn liền với nhà báo - công dân gương mẫu thực hiện và đấu tranh bảo vệ luật pháp. Những gì có thể gây mất ổn định xã hội thì vì lợi ích chung, nhà báo - công dân không nên làm. Những gì biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chỉ chạy theo thành tích, phô trương, lãng phí, hình thành phe nhóm cần kiên quyết đấu tranh" (Hữu Thọ)…

Một số tham luận tập trung nêu giải pháp quản lý báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp. Trong đó, Bộ TT-TT nêu rõ "cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với đội ngũ làm cán bộ, quản lý báo chí; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí với cơ quan chủ quản báo chí; cần sự giám sát của nhân dân và cả hệ thống chính trị; các cơ quan hành chính và tổ chức cần thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin định hướng giúp báo chí thông tin kịp thời chính xác, phù hợp với lợi ích đất nước, nhân dân". Nhà báo Hà Huy Phượng cho rằng "nhà báo phải được đào tạo chuyên nghiệp, được làm nghề chuyên nghiệp và phải được hưởng chế độ đãi ngộ chuyên nghiệp"…

Kết luận hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Các tham luận và ý kiến phát biểu đã đề cập sâu sắc tới cả 3 nội dung của hội thảo; đóng góp thiết thực cho việc hoàn thiện kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các chính sách, pháp luật về báo chí; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ các nhà báo. Nhiều tham luận đề cập được các giá trị tư tưởng, thực tiễn trong sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

* Sáng 19-6, đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh do đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng VPĐD Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Bí thư Huỳnh Thị Nhân đánh giá cao những đóng góp của Báo Hànộimới tại TP Hồ Chí Minh, sự có mặt của tờ báo Đảng của Thủ đô Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh thể hiện tầm vươn cao của báo và sự gắn kết truyền thống giữa đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thành phố. Nhiều thông tin ở hai đầu đất nước thể hiện trên Báo Hànộimới đã đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và của cả hai thành phố nói riêng. Thay mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Thị Nhân chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và mong Báo Hànộimới ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho sự gắn kết bền chặt của Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Theo Bác lòng ta trong sáng hơn”

(HNM) - Đó là chương trình giao lưu nghệ thuật do Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ) phối hợp với Đài THVN, báo điện tử Người Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.

Bằng những câu chuyện giản dị xúc động, những bài ca đi cùng năm tháng, chương trình đã tái hiện một phần trang sử hào hùng, khát vọng trong sáng của những người làm báo và công chúng báo chí. Có thể kể đến câu chuyện của nhà báo Hà Đăng về lịch sử Ngày báo chí cách mạng Việt Nam; những chia sẻ sâu sắc của GS Hà Minh Đức về những phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là hồi ức xúc động của các nhà báo Trần Mai Hưởng, Trần Thế Tuyển… về những nhà báo - chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì dân tộc, vì nền báo chí cách mạng.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 này còn có phần giao lưu với các sinh viên, nhà báo trẻ của Học viện báo chí tuyên truyền, Đài TNVN.

Thi Thi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nền báo chí Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.